Nỗ lực kiềm chế giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu
Sau lần thứ 6 liên tiếp mặt hàng xăng, dầu được điều chỉnh tăng giá, hiện vượt hơn 32.000 đồng/lít, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng giá mới…
Trong bối cảnh sức mua thị trường vẫn chậm, việc tăng giá là bài toán đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng lẫn phân phối. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương I
Giá tăng trên diện rộng
Theo ghi nhận trong ngày cuối tuần (18-6) tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An… hầu hết giá các loại rau củ quả, thực phẩm tươi sống đều tăng so với thời điểm trước. Giá thịt heo sườn non 200.000 đồng/kg; bò philê 340.000 đồng/kg; gà tam hoàng làm sẵn nguyên con 85.000 đồng/kg; cá lóc nuôi 75.000 đồng/kg… Các loại rau tươi, rau xanh như bắp cải trắng, bí xanh, cà chua đều đứng ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg; khổ qua 27.000 đồng/ kg; đậu cove 38.000 đồng/kg… Cùng với đó, giá bán phổ biến trên thị trường của mặt hàng trứng gà đang dao động ở mức 34.000 - 35.000 đồng/chục; trứng vịt 38.000 - 40.000 đồng/ chục… Giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến mặt bằng giá bán tại các quán ăn như phở, hủ tíu mì… cũng điều chỉnh tăng thêm 5.000 đồng/tô, dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/tô.
Tại các siêu thị nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng bắt đầu điều chỉnh giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Cụ thể là mặt hàng trứng gia cầm, giá được điều chỉnh tăng từ 200- 500 đồng/quả. Các loại rau củ quả có xuất xứ từ Đà Lạt như cải caron cũng lên mức 42.500 đồng/kg; xà lách mỡ 50.500 đồng/kg; rau hỗn hợp 62.000 đồng/kg…
Ghi nhận của Cục Thống kê Bình Dương cho thấy từ đầu tháng 5 đến nay, nhìn chung giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu tại thị trường tỉnh đều có xu hướng tăng. Theo đó, Chỉ số CPI tăng ở 9/11 nhóm hàng. Trong đó, tập trung ở nhóm hàng thực phẩm, kế đến nhóm thiết bị đồ dùng gia đình, dịch vụ ăn uống, tiếp đó là nhóm văn hóa giải trí và du lịch…
Nỗ lực kiềm chế
Khảo sát thực tế trên thị trường cho thấy, vài tuần qua sức mua đang duy trì ở mức thấp, nguyên nhân do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu. Chị Lê Trần Thanh Hiền, ngụ tại phường Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một), cho biết chị chọn bỏ theo dõi các trang bán quần áo, mỹ phẩm, giày dép để tập trung tài chính cho các sinh hoạt cơ bản. “Lương không tăng nhưng giá cả tăng, sắp tới còn tăng học phí nên phải cắt bớt những khoản chi không cần thiết”, chị Hiền chia sẻ. Tương tự, là người chặt chẽ trong chi tiêu, chị Mai Thị Mỹ Hạnh ngụ phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) theo dõi sát sao các khoản chi của gia đình và giật mình vì giá cả hầu hết các mặt hàng đã tăng chóng mặt so với tháng trước. “Tôi ghi chép kỹ nên phát hiện thực phẩm, gia vị, hóa mỹ phẩm, đồ nhôm, nhựa… cái nào cũng đã tăng giá khá cao so với trước. Do mặt bằng giá tăng nên dù rất tiết kiệm tôi cũng phải tốn thêm gần 1 triệu đồng/ tháng cho sinh hoạt của gia đình 3 người”, chị Hạnh than.
Phân tích cụ thể, một số doanh nghiệp bán lẻ chỉ ra rằng trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn về sức mua, không đơn vị nào muốn tăng giá bán nhưng do chi phí, hàng nhập vào đều tăng nên buộc phải cân đối lại mặt bằng giá. “Để chuẩn bị cho những biến động về nguồn cung, giá cả hàng hóa, Saigon Co.op đã có kế hoạch hạn chế đà tăng giá từ cuối năm 2021. Chính vì vậy, chỉ số giá của Saigon Co.op trong 4 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,42%, thấp hơn nhiều so với chỉ số giá của cả nước. Đây là sự cố gắng rất lớn của Saigon Co.op, thể hiện qua nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp cùng chia sẻ lợi nhuận của mình để có nhịp giá điều chỉnh chậm hơn”, bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Chợ Đình thông tin.
Tương tự, ông Thái Thành Nhân, Trưởng ngành hàng tươi sống Siêu thị Big C Bình Dương, cho biết giá tăng trên các nhóm hàng, người tiêu dùng sẽ ưu tiên mua sắm những mặt hàng cùng chủng loại nhưng giá cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ phải giải bài toán về năng lực cạnh tranh giá để giữ chân người tiêu dùng. “Hiện thị trường đang có sự diễn biến tăng giá, song chúng tôi cố gắng áp dụng các chương trình khuyến mại tốt nhất để người tiêu dùng được thụ hưởng giá bình ổn nhất”, ông Nhân nói.
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, các bộ, ngành nhận định thời gian tới, áp lực lạm phát còn cao hơn. Nhất là giá xăng dầu tiếp tục gia tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… Do đó, công tác điều hành giá của Chính phủ từ nay đến cuối năm phải theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường công tác dự báo, phải dự báo sớm hơn để có biện pháp điều hành linh hoạt, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, đạt mục tiêu đề ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành quản lý chặt giá cước vận tải, bảo đảm mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm hơn.
Chỉ số CPI tháng 5-2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,86% so với tháng 5-2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ 2021.