Nỗ lực nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

Thực tế cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Chính vì vậy, trong thời gian qua huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở và đạt được nhiều kết quả đáng được ghi nhận.

Theo ông Phan Thanh Phước - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng), tổ hòa giải ấp thực hiện hòa giải trung bình 10 vụ/năm, với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%. Các mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương trong thời gian qua chủ yếu tranh chấp ranh đất, mâu thuẫn nội bộ gia đình, thân tộc và các giao dịch dân sự trong nhân dân…

Cụ thể, trên địa bàn ấp có vợ chồng trẻ thường xuyên mâu thuẫn do người chồng thường xuyên uống rượu, không chịu làm ăn. Tổ hòa giải ấp đến gặp hai vợ chồng phân tích, giải thích giúp người chồng nhận thấy những tác hại của rượu dẫn đến nhiều hệ lụy. Từ đó, người chồng bỏ rượu và quan tâm đến công việc của gia đình, vợ chồng hòa thuận. Ngoài ra, hai vợ chồng còn được Tổ hòa giải giúp liên hệ với hội liên hiệp phụ nữ, nông dân vay vốn để chăn nuôi cải thiện cuộc sống, có điều kiện lo cho con đi học.

Một vụ việc khác xảy ra hồi đầu năm nay có liên quan đến tranh chấp ranh đất của hai anh em ruột. Do mâu thuẫn trong việc sử dụng chung đường nước dẫn lên ruộng mà hai anh em bất hòa và có lời qua tiếng lại. Tổ hòa giải nắm được thông tin và đã mời hai anh em đến phân tích, khuyên nhủ thành công. Hai anh em đã gạt bỏ những bất đồng nhỏ trong sản xuất và hòa thuận trở lại.

Đồng chí Phan Thanh Phước (thứ 2 từ trái sang) - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) làm tốt công tác hòa giải. Ảnh: KIM NGỌC

Đồng chí Phan Thanh Phước (thứ 2 từ trái sang) - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) làm tốt công tác hòa giải. Ảnh: KIM NGỌC

Khi nói về công việc hòa giải, ông Thạch So Pho, người có uy tín trong đồng bào Khmer, thành viên Tổ hòa giải ấp Bưng Thum, xã Tân Hưng chia sẻ: “Thấy tôi lớn tuổi, từng công tác trong ngành giáo dục hơn 30 năm, nên chính quyền địa phương vận động tham gia vào tổ hòa giải ấp. Vào tổ hòa giải, tôi thường được đi tập huấn kiến thức về công tác hòa giải, từ đó cũng có được một số kỹ năng trong công việc này. Theo tôi, khi hòa giải một vụ việc nào đó, trước hết, tổ hòa giải phải bàn bạc, xuống địa bàn tìm hiệu nội dung để có giải pháp hòa giải. Từ việc chuẩn bị chu đáo trước các cuộc hòa giải, trong những năm qua, tỷ lệ hòa giải thành của ấp luôn đạt trên 90%. Nhờ làm tốt công tác hòa giải đã góp phần rất lớn vào việc ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa phương, người dân an tâm lao động sản xuất”.

Toàn huyện Long Phú hiện có 61 tổ hòa giải, với 344 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 5 - 7 hòa giải viên đảm bảo đúng thành phần theo quy định của pháp luật. Theo thống kê của ngành Tư pháp huyện Long Phú, hằng năm tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn huyện đạt từ 92% trở lên. Từ đầu năm 2024 đến nay, các tổ hòa giải ấp đã tiếp nhận hòa giải trên 300 vụ, việc. Để công tác hòa giải cơ sở đi vào nền nếp và ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian qua, Phòng Tư pháp huyện Long Phú thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến, nhằm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho tất cả hòa giải viên đang làm công tác hòa giải ở cơ sở, là tổ trưởng và tổ viên tổ hòa giải các cấp trên địa bàn huyện.

Đồng chí Phan Lê Diễm - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Long Phú cho biết: “Công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Mặt khác, thông qua việc hòa giải ở cơ sở còn góp phần hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm anh em trong gia đình, thân tộc, tình nghĩa vợ chồng, hạn chế những tranh chấp phát sinh. Để đạt kết quả như trên, trong những năm qua, lực lượng hòa giải viên trên địa bàn huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp chú trọng đến việc vận động những người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số có tâm huyết, cán bộ hưu trí tham gia vào tổ hòa giải, để giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở không để đơn vượt cấp, xảy ra điểm nóng…”.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat/202504/no-luc-nang-cao-chat-luong-hoa-giai-o-co-so-148037a/