Nỗ lực nâng cao chất lượng xét xử các loại án

Nhiều vụ án nghiêm trọng đã được Tòa Hình sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Viện KSND tỉnh khẩn trương đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh; các hình phạt áp dụng đối với người phạm tội nghiêm khắc, đúng mức, được dư luận nhân dân đồng tình.

Một phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Ảnh minh họa

Một phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Ảnh minh họa

Từ ngày 1.10.2021 - 30.9.2022, TAND 2 cấp giải quyết 9.126 vụ/10.157 vụ, việc đã thụ lý các loại, đạt tỷ lệ 89,85% (trong đó, cấp tỉnh giải quyết 1.082 vụ/1.304 vụ, việc đã thụ lý).

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong năm 2021 nên lượng án của năm 2021 chưa giải quyết phải chuyển sang năm 2022. Tuy nhiên, công tác giải quyết các vụ án nói chung luôn được quan tâm và thực hiện nghiêm, bảo đảm các vụ, việc được xét xử, giải quyết thấu tình đạt lý, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Tòa án thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao quy định.

Việc giải quyết án hình sự đạt tỷ lệ cao và chất lượng ngày càng tiến bộ; trong xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật (từ ngày 1.10.2021 - 30.9.2022, TAND 2 cấp thụ lý 1.328 vụ/3.385 bị cáo; giải quyết 1.306 vụ/3.271 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,3%, vượt 8,3% so chỉ tiêu). Một số tội phạm mới nổi và có chiều hướng gia tăng, như: tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; giết người…

Nhiều vụ án nghiêm trọng đã được Tòa Hình sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Viện KSND tỉnh khẩn trương đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh; các hình phạt áp dụng đối với người phạm tội nghiêm khắc, đúng mức, được dư luận nhân dân đồng tình.

Chất lượng xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động được nâng lên rõ rệt, không có vụ án nào quá thời hạn chuẩn bị xét xử do yếu tố chủ quan của thẩm phán (thụ lý 8.739 vụ việc; giải quyết 7.742 vụ việc, đạt 88,6%, so chỉ tiêu vượt 3,6%).

Trong các tranh chấp về dân sự thì tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất chiếm đa số. Trong giải quyết vụ việc dân sự, TAND 2 cấp luôn chú trọng công tác hòa giả. Tòa án hướng dẫn, hỗ trợ cho các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng, nhất là thủ tục thu thập chứng cứ, tham gia hòa giải; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng và tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự.

Việc xét xử các vụ án hành chính đúng quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự (đã giải quyết 78 vụ/90 vụ thụ lý). Đa số các tranh chấp phát sinh liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính về lĩnh vực quản lý đất đai. Các vụ án hành chính chủ yếu giải quyết sơ thẩm tại TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc đối thoại không tiến hành được do người bị kiện sau khi cung cấp chứng cứ cho Tòa án thì có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.

Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết thêm, chất lượng công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày càng được nâng cao và đi vào nề nếp; đã thành lập 10 trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án tỉnh và 9 Tòa án cấp huyện; bổ nhiệm 40 hòa giải viên (cấp tỉnh 2, cấp huyện 38). Đội ngũ hòa giải viên được tuyển chọn là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật và vận động quần chúng nhân dân, điều này làm cho việc tiếp cận và thi hành Luật Hòa giải, đối thoại được dễ dàng hơn, số lượng vụ việc hòa giải, đối thoại thành cao (trong kỳ báo cáo, Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành 3.707 đơn).

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến, TAND 2 cấp đã thực hiện được 42 vụ (trong đó, cấp tỉnh 4 vụ; cấp huyện 38 vụ). Ngoài ra, TAND tỉnh còn tổ chức điểm cầu thành phần hỗ trợ 2 phiên tòa xét xử trực tuyến phúc thẩm hành chính của TAND cấp cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Tòa án 2 cấp còn một số khó khăn như số lượng các loại vụ, việc dân sự nói chung và án hành chính nói riêng mà Tòa án thụ lý, giải quyết có tính chất ngày càng phức tạp, liên quan nhiều tài sản, đương sự; các vụ án có yếu tố nước ngoài thuộc trường hợp ủy thác tư pháp còn rất chậm, nhiều vụ án không nhận được kết quả ủy thác tư pháp.

Một số đơn vị có liên quan thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ chậm hoặc không cung cấp, tham gia định giá tài sản ở một số nơi chưa tốt… nên không thu thập được đầy đủ chứng cứ của vụ án gây khó khăn cho việc đánh giá chứng cứ. Trong các vụ án hành chính, sự tham gia của người bị kiện là cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền còn ít, ảnh hưởng đến tiến độ. Biên chế thiếu so với chỉ tiêu được phân bổ, nhất là thư ký Tòa án (hiện một thư ký phải giúp việc cho 2 - 3 thẩm phán)…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, ngành Tòa án sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, hoàn thành chỉ tiêu. Xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; không để án quá hạn; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Thực hiện tốt việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp và công khai bản án trên cổng thông tin điện tử. Tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời rút kinh nghiệm những sai sót trong quá trình giải quyết các loại vụ, việc. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng, cơ quan hữu quan trong quá trình giải quyết án…

THIÊN DI

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/no-luc-nang-cao-chat-luong-xet-xu-cac-loai-an-a150320.html