Nỗ lực nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo
Lâm Đồng tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu khu vực Tây Nguyên về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) nhưng đang đối mặt với thách thức lớn khi tụt 6 bậc trên bảng xếp hạng toàn quốc vừa được công bố mới đây. Do đó, các giải pháp cải thiện thứ bậc đã được lãnh đạo tỉnh vạch ra cho năm 2025 nhằm khắc phục hạn chế để bứt phá mạnh mẽ.

Trung tâm Điều hành thông minh huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng
Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã công bố bảng xếp hạng PII năm 2024. Theo đó, Lâm Đồng xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố và giữ vị trí số 1 khu vực Tây Nguyên năm thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, so với năm 2023, Lâm Đồng đã tụt 6 bậc.
Đáng chú ý, trong khi đầu vào tương đối ổn định, điểm số đầu ra sụt giảm mạnh gần 9 điểm, cho thấy hiệu quả biến đổi các nguồn lực thành kết quả khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương còn hạn chế. Cơ quan đánh giá phân tích sâu các trụ cột, như: Thể chế, tụt mạnh từ hạng 6 xuống hạng 31 (giảm 25 bậc); Vốn con người và R&D tăng nhẹ lên hạng 16; Cơ sở hạ tầng cải thiện từ hạng 28 lên hạng 21; Thị trường lên 3 bậc, đạt hạng 29; Doanh nghiệp vẫn là trụ cột yếu, rớt xuống hạng 42; Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ giữ hạng 13; Tác động: tụt từ hạng 12 xuống 19.
Theo đánh giá, nhìn chung, các kết quả đánh giá Chỉ số PII của năm 2024 cơ bản cho thấy sự phù hợp của thực trạng phát triển kinh tế - xã hội với vị trí địa lý, điều kiện tài nguyên thiên nhiên và mức độ đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa qua đã ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PII năm 2025 và các năm tiếp theo. Mục tiêu hướng tới của Kế hoạch không những nhằm tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về Chỉ số PII, về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số thuộc lĩnh vực sở, ngành, địa phương quản lý. Duy trì, phát huy đối với các nhóm chỉ số thành phần có vị trí cao - được xác định là điểm mạnh; cải thiện đối với các chỉ số có điểm số thấp, được xác định là điểm yếu (một hoặc nhiều năm), các chỉ tiêu thuộc nhóm xếp hạng thấp (nhóm 40 - 50, nhóm 50 - 63 tỉnh, thành phố).
Trong đó, mục tiêu cụ thể trong năm 2025 là Chỉ số PII tỉnh Lâm Đồng nằm trong nhóm 20 - 30 tỉnh, thành phố của cả nước; đến năm 2030 thuộc nhóm 20. Có ít nhất 1 trụ cột của tỉnh Lâm Đồng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; không có trụ cột nào nằm trong nhóm từ 40 - 63. Tăng dần vị trí của các chỉ số, đặc biệt quan tâm nhóm các chỉ số được xác định là điểm yếu (một và nhất là nhiều năm liền), các chỉ số nằm trong nhóm xếp hạng thấp (nhóm 50 - 63 tỉnh, thành phố).
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương là tài liệu hữu ích, cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng và thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với phạm vi rộng, toàn diện, Bộ chỉ số PII sẽ là công cụ để mỗi tỉnh, thành phố soi chiếu được chi tiết góc độ ở các khía cạnh đầu ra, đầu vào, xác định rõ điểm mạnh, yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Do đó, việc địa phương năm 2024 tụt 6 bậc PII so với năm 2023 là cảnh báo nhưng cũng là động lực mạnh mẽ để địa phương xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2025 và những năm tiếp theo với tinh thần "bứt phá", "đột phá", lấy đổi mới sáng tạo làm "chìa khóa" cho tăng trưởng bền vững.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/no-luc-nang-cao-chi-so-doi-moi-sang-tao-5471bb2/