Nỗ lực nâng cao độ che phủ rừng
Từ một địa phương 'toàn là rừng', Đắk Nông hiện có tỷ lệ che phủ rừng thấp hơn mức bình quân của cả nước (cả nước đạt gần 42%, trong khi Đắk Nông đạt 37,9%, số liệu năm 2019).
Từ một địa phương “toàn là rừng”, Đắk Nông hiện có tỷ lệ che phủ rừng thấp hơn mức bình quân của cả nước (cả nước đạt gần 42%, trong khi Đắk Nông đạt 37,9%, số liệu năm 2019).
Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk Nông có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng – an ninh, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số và đặc biệt là bảo vệ môi trường, hạn chế lũ lụt, sạt lở đất.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn
Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, tổng diện tích toàn tỉnh gần 651.000 ha, trong đó có hơn 293.000 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 45% diện tích tự nhiên của tỉnh. Xét về quy mô diện tích, ngành lâm nghiệp đang quản lý diện tích đất đai lớn nhất so với các ngành kinh tế của tỉnh Đắk Nông. Về giá trị tài nguyên, rừng là nguồn cung cấp các loại lâm sản, dịch vụ to lớn, đa dạng cho phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Việc bảo vệ và phát triển rừng cũng góp phần bảo tồn, gìn giữ nhiều giá trị văn hóa quý báu của cộng đồng các dân tộc thiểu số vốn gắn bó với rừng hàng nghìn năm qua.
Những năm qua, ngành lâm nghiệp Đắk Nông có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo khả năng phòng hộ đầu nguồn, góp một phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, công tác quản lý tài nguyên rừng và tổ chức sản xuất của ngành lâm nghiệp Đắk Nông hiện còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tốc độ phục hồi và phát triển rừng chậm; chất lượng, hiệu quả rừng trồng thấp; công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản đạt hiệu quả thấp, quy mô nhỏ; nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép chưa được kiểm soát hiệu quả; hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý rừng nhiều nơi chưa hợp lý…
Theo thống kê của ngành chức năng, từ tháng 5-2014 đến hết năm 2019, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, lập biên bản xử lý gần 2.300 vụ phá rừng trái phép với diện tích gần 1.100 ha. Việc phá rừng chủ yếu là để lấn chiếm đất trồng các loại công nghiệp, nông nghiệp và cư trú trên đất rừng. Tuy nhiên, con số các vụ phá rừng bị phát hiện, xử lý còn khá khiêm tốn so với thực tế. Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, từ năm 2010 - 2019, diện tích rừng trong tỉnh đã giảm hơn 41.000 ha, tỷ lệ che phủ giảm từ 44,2% xuống còn 37,9%, trữ lượng gỗ giảm gần 8%.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk Nông tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi từ việc quản lý, bảo vệ và trồng rừng quá thấp so với việc phá rừng, lấn chiếm đất và trồng các loại cây nông nghiệp công nghiệp. Bình quân chung nếu trồng rừng sản xuất (chủ yếu là cây keo lai) thì thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ha/năm; còn trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp thì thu nhập bình quân khoảng 50 – 70 triệu đồng, tức gấp 5 – 7 lần.
Ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông nhận định, mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn rất khó giải quyết, tiêu biểu như tình trạng dân di cư không theo quy hoạch, “định cư” trái phép trên đất rừng; tình trạng nhiều diện tích rừng manh mún, nhỏ lẻ, nằm xen lẫn với đất đai, nương rẫy của người dân bị lấn chiếm dần; cơ chế, chính sách quản lý rừng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhất là đối với rừng phòng hộ, cảnh quan dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tiếp giáp khu đông dân cư…
Tập trung trồng rừng sản xuất, nông lâm kết hợp
Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, độ che phủ rừng hiện nay của tỉnh là 37,9%, phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng lên 40%. Ông Lê Quang Dần cho biết, để nâng cao độ che phủ rừng, tỉnh quyết liệt thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển trữ lượng diện tích rừng hiện có, giảm thiểu tới mức thấp nhất việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tập trung trồng rừng sản xuất và đề án nông lâm kết hợp. Bên cạnh quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, trong 5 năm, tỉnh Đắk Nông phải trồng tối thiểu 10.000 ha rừng mới đạt mục tiêu che phủ rừng mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra.
“Chúng tôi lên kế hoạch xây dựng, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành trồng, khai thác và chế biến gỗ, nhất là tại hai huyện Tuy Đức và Đắk GLong; coi đó là một định hướng quan trọng để phát triển rừng trồng, nhất là cây keo lai. Đối với đề án nông lâm kết hợp và trồng cây phân tán, chúng tôi huy động và có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia, đảm bảo theo hướng các bên đều có lợi” - ông Dần khẳng định.
Hiện nay, bên cạnh hơn 247.000 ha rừng (trong đó gần 200.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng), Đắk Nông vẫn còn hơn 80.000 ha đất được quy hoạch là đất lâm nghiệp nhưng chưa có rừng. Tuy nhiên, có tới 67.000 ha trong số này đã bị lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp. Phần còn lại là đất đai cằn cỗi, địa hình chia cắt, người dân “chê” nên không lấn chiếm sản xuất nông nghiệp. Ngành lâm nghiệp Đắk Nông đang định hướng trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng tại diện tích 80.000 ha nói trên, bằng việc phát triển rừng sản xuất, cùng với đề án nông lâm kết hợp và trồng cây phân tán.
Đắk Nông cũng như các địa phương khác trong cả nước đang được hưởng nhiều chính sách lớn, có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: Chính sách hỗ trợ về giao khoán rừng; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong bối cảnh rừng ngày càng quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế…
Về chính sách đặc thù, tháng 12-2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã thông qua Nghị quyết số 60/2019/NQ-HĐND về quy định một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh điều chỉnh chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, trồng cây nông lâm kết hợp; hỗ trợ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên của các đơn vị được giao khoán, cho thuê rừng; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động Ban Lâm nghiệp xã. Cụ thể, đối với các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, hộ gia đình không có, hoặc có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng dưới mức 300.000 đồng/ha/năm, sẽ được hỗ trợ đủ 300.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm đối với các chủ rừng có diện tích rừng không có hoặc nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng từ 300.000 – 400.000 đồng/ha/năm. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng quyết định hỗ trợ kinh phí cho các Ban Nông nghiệp xã, mức hỗ trợ tùy thuộc vào diện tích rừng từng địa bàn cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mới đây, Sở NN&PTNT Đắk Nông vừa được UBND tỉnh giao xây dựng dự án “bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2025” với tổng kinh phí dự kiến gần 930 tỷ đồng. Đắk Nông sẽ tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững, đạt mục tiêu che phủ rừng như mục tiêu đã đề ra.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_234118_no-luc-nang-cao-do-che-phu-rung.aspx