Nỗ lực nâng cao đời sống cho hộ người có công
Thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa', huy động các nguồn lực xã hội để cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, nên đời sống người có công ngày càng được cải thiện.
Chăm lo cho người có công
Đầu năm 2019, huyện Bình Sơn còn 64 hộ nghèo có thành viên là người có công, nhưng đến nay chỉ còn 9 hộ. Có được kết quả đó là nhờ huyện Bình Sơn đã chủ động đề ra những giải pháp phù hợp để hỗ trợ, giúp đỡ.
Sở LĐ-TB&XH và Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có thành viên là người có công.
Theo Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Phạm Công Hiền, trong năm qua, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về giảm nghèo, đồng thời, khơi gợi tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, để người dân phấn đấu vươn lên, cải thiện đời sống. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát hộ chính sách nghèo, đánh giá thực trạng, nguyên nhân dẫn đến nghèo để có giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội giúp đỡ, hỗ trợ gia đình bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các hình thức hỗ trợ. Phấn đấu không để hộ chính sách nghèo ở nhà tạm bợ.
Tại huyện miền núi Sơn Hà, từ 178 hộ nghèo có thành viên là người có công vào cuối năm 2018, thì đến nay chỉ còn 68 hộ. Để giúp đỡ những hộ nghèo ổn định cuộc sống, từ đầu năm 2020, huyện đã hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng/hộ cho 5 hộ khó khăn về nhà ở từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện. “Đây là một trong những cách hỗ trợ thiết thực để gia đình người có công có điều kiện an cư và yên tâm phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hà Nguyễn Thị Trúc Giang cho hay.
Đến thời điểm này, một số địa phương có số hộ nghèo có thành viên là người có công thấp như TP.Quảng Ngãi, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa... Riêng huyện Sơn Tịnh không có hộ nghèo có thành viên là người có công.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 406 hộ nghèo có thành viên thuộc diện chính sách ưu đãi người có công (giảm hơn 55% so với năm 2018).
Triển khai nhiều giải pháp
Giám đốc Sở LĐ-TB-&XH Lương Kim Sơn cho biết: Đa số các hộ người có công thuộc diện nghèo còn lại là những hộ có ít nhân lực tham gia lao động; tuổi cao, sức khỏe yếu, bị bệnh tật, di chứng của chiến tranh, nguồn thu nhập chủ yếu là khoản trợ cấp ưu đãi của Nhà nước... Để thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020, tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công cần phải đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của các hộ, nhằm đảm bảo đời sống của người có công thuộc hộ nghèo từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là không để hộ người có công nào sống dưới mức trung bình của xã hội.
Trước hết, để hỗ trợ các hộ nghèo người có công, các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về trách nhiệm trong việc giúp đỡ hộ chính sách người có công, nhất là các gia đình chính sách người có công thuộc diện hộ nghèo; vận động thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huy động Quỹ "Vì người nghèo"; tổ chức chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững...
Trên cơ sở xác định chính xác danh sách người có công thuộc diện hộ nghèo, các địa phương cần xác định nhu cầu của gia đình như cần hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, nhà ở, nước sạch, dịch vụ xã hội, để có hướng hỗ trợ phù hợp; huy động nguồn lực và có giải pháp quyết liệt cụ thể, thiết thực, hiệu quả, để giảm nghèo đối với người có công trên địa bàn.