Nỗ lực nâng cao hiệu quả nội dung giáo dục địa phương
Trong thời gian qua, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) đã có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả nội dung giáo dục địa phương.
Chuẩn bị cả đội ngũ và cơ sở vật chất
Việc tổ chức giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương (GDĐP) nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, đất nước, ý thức tự giác tìm hiểu, liên hệ vận dụng những điều đã học vào thực tế, qua đó góp phần giải quyết những vấn đề của địa phương.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan nên việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt tài liệu Nội dung GDĐP của các năm học thường bị chậm muộn. Một số tài liệu Nội dung GDĐP đang trong quá trình tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, trong khi việc tổ chức thực hiện chương trình này đòi hỏi tính chủ động, linh hoạt cao từ phía các nhà trường.
Tại Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ, Chi bộ, BGH đã phân công Tổ Xã hội xây dựng kế hoạch giáo dục Nội dung GDĐP đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của trường và nhất quán với định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đồng thời, đôn đốc giáo viên dạy từng phân môn chủ động, tích cực chuẩn bị bộ câu hỏi và đáp án gửi về Tổ để thảo luận, điều chỉnh rồi biên soạn đề kiểm tra chung đảm bảo sát thực tế và hiệu quả.
Ngoài ra, nhà trường cũng cân nhắc bố trí thời gian giảng dạy Nội dung GDĐP đảm bảo tính khoa học, không gây áp lực, tạo môi trường cởi mở, thuận tiện cho học sinh khi trải nghiệm, vận dụng những kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.
Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, ưu tiên thời gian cho giáo viên chuyên tâm đổi mới phương pháp dạy học.
Về cơ sở vật chất, Chi bộ BGH đã tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng đảm bảo đủ phòng học và thiết bị phục vụ trực tiếp việc nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục nói chung, GDĐP nói riêng. Việc cấp phát SGK, tài liệu tham khảo đầy đủ, kịp thời và có hỗ trợ phù hợp đối với học sinh nghèo, con em đối tượng chính sách.
Về đội ngũ giáo viên, cùng với việc bổ sung đủ về số lượng, bố trí hợp lý về cơ cấu và nâng cao chất lượng, công tác tự bồi dưỡng, cập nhật, bổ trợ kiến thức thông qua sinh hoạt theo tổ chuyên môn, hội giảng, dự giờ… cũng được duy trì thường xuyên, chủ động. Nội dung bồi dưỡng được lựa chọn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả.
Do đó, khi triển khai giảng dạy Nội dung GDĐP, hầu hết giáo viên thể hiện được tính chủ động, linh hoạt, nhất là khi xử lý những vấn đề phát sinh. Quá trình tham gia học tập Nội dung GDĐP, đa số học sinh thể hiện sự hào hứng, mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm và những kỹ năng vốn có, tính chủ động tiếp nhận nhiệm vụ và năng lực làm việc nhóm vì thế cũng được cải thiện rõ nét.
Những định hướng quan trọng
Cô Nguyễn Thị Tươi - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ cho biết, từ những giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị nên kết quả học tập, rèn luyện của học sinh đối với Nội dung GDĐP đã có những chuyển biến tích cực.
Mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 nói chung, Nội dung GDĐP nói riêng bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội.
Từ những kết quả bước đầu đó, thời gian tới, Chi bộ Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ xác định tiếp tục nghiên cứu bố trí nhân lực trực tiếp giảng dạy một cách khoa học theo hướng phát huy năng lực, sở trường của mỗi giáo viên đối với từng phân môn; tuyệt đối không bố trí một giáo viên dạy cả Nội dung GDĐP dẫn đến hiệu quả không cao.
Cùng với đó, nhà trường tiếp tục chỉnh lý, bổ sung giáo án chương trình Nội dung GDĐP đảm bảo thể hiện rõ nét bản sắc vùng miền, chú trọng tính khoa học, hệ thống của các đơn vị kiến thức tiêu biểu của địa phương. Chỉ đạo, tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành sớm tài liệu Nội dung GDĐP, tránh tình trạng “dạy chay”, “học chay”, hoặc chậm, muộn so với chương trình năm học.
Tích cực tham mưu, đề xuất cơ quan quản lý giáo dục và hội đồng bộ môn các cấp có định hướng thống nhất, tập huấn sớm hơn cho giáo viên về chương trình, cách thức kiểm tra, đánh giá… tránh tình trạng mỗi trường thực hiện mỗi cách khác nhau.
Từ Nội dung GDĐP thống nhất chung, Chi bộ, cán bộ, đảng viên, giáo viên nhà trường sẽ chủ động bổ sung những thông tin cụ thể, liên quan trực tiếp đến địa phương để giúp cho học sinh có những trải nghiệm cần thiết và bổ ích. Đồng thời góp phần làm cho tài liệu Nội dung GDĐP của nhà trường đa dạng về nội dung, hợp lý về cấu trúc để các em dễ dàng tiếp thu môn học.
Với đội ngũ giáo viên, Chi bộ, ban giám hiệu nhà trường sẽ chú trọng việc ghi nhận, động viên, khích lệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa để mỗi đảng viên, giáo viên phát huy tinh thần đổi mới và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà trường chỉ đạo giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc nghiên cứu học liệu, sưu tầm hình ảnh, video minh họa bài học cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy.
Phân công giáo viên dạy đúng chuyên môn, gắn với chủ động sắp xếp thời khóa biểu khoa học hợp lý, đảm bảo các tiết giảng dạy, học tập Nội dung GDĐP tương đồng và tạo ra hiệu ứng tương tác tích cực với những nội dung trong chương trình chính khóa của các phân môn.
Chi bộ, BGH Trường THCS Thị trấn Vĩnh Trụ cũng sẽ tích cực chỉ đạo, yêu cầu giáo viên thường xuyên lồng ghép nội dung GDĐP vào các bài dạy chính khóa nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, bền vững trong nhận thức của học sinh. Từ đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu về chương trình giảng dạy Nội dung GDĐP, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.