Nỗ lực nâng hạng chỉ số thành phần: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2022, chỉ số thành phần Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) áp dụng 13 chỉ tiêu. Chỉ số này do Sở Công thương phụ trách chính; năm 2022, Trà Vinh đạt 5,81 điểm, tăng 0,04 điểm, tăng 21 hạng so với năm 2021 (từ vị trí 56 lên 35); có 07/13 chỉ tiêu được đánh giá tốt, 06/13 chỉ tiêu bị đánh giá thấp và hạn chế so với trung vị của cả nước.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, các chỉ tiêu thành phần này được DN đánh giá tốt, chất lượng về cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước, địa phương về các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thủ tục để được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách Nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị DN dễ thực hiện. Đặc biệt, những vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các Hiệp định FTA được cơ quan nhà nước, địa phương trong tỉnh giải đáp hiệu quả; thủ tục để được cơ quan nhà nước hỗ trợ tăng cường năng lực DN dễ thực hiện...
Các nội dung được DN đánh giá cao, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố tốt của cả nước: thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp; thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước dễ thực hiện; việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các FTA là thuận lợi.
Tuy nhiên, phân tích về chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI thông tin vẫn còn những hạn chế có liên quan đến chỉ số thành phần Chính sách hỗ trợ DN của tỉnh: thu hút các nhà đầu tư còn khó khăn, do một ít dự án đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch tại khu kinh tế và của địa phương, điều chỉnh quy hoạch cần thời gian.
Việc DN đánh giá không cao đối với các thủ tục: cấp bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước; miễn, giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động. Số DN biết đến các chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội của các FTA còn hạn chế. Tuy tỉnh đã triển khai, phổ biến qua nhiều kênh thông tin, nhưng DN quan tâm vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Từ những ưu điểm và hạn chế về chỉ số thành phần Chính sách hỗ trợ DN của năm 2022, trong 06 tháng đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chuyển đổi số tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, tập trung khắc phục hạn chế, phát huy những ưu điểm, nhằm nỗ lực cao nhất để tiếp tục nâng thứ hạng chỉ số này vào năm 2023.
Đồng chí Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: 06 tháng đầu năm 2023, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 3000/QĐ-UBND, ngày 21/8/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 282/QĐ- UBND, ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) của tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 441/QĐ-UBND, ngày 18/3/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg, ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ (CPTPP)...
Để DN hoạt động hiệu quả, Sở Công thương hỗ trợ các DN mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư vào thị trường trong và ngoài nước, Sở đã cung cấp thông tin và mời DN tham gia các hội nghị, hội chợ, kết nối... 06 tháng đầu năm 2023, có 300 lượt DN được thông tin; có 150 DN tham gia. Đồng thời, tổ chức 02 lớp tập huấn về Hiệp định EVFTA và các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; tổ chức lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh kinh tế tập thể cho hợp tác xã và DN, có 128 đại biểu tham dự; tổ chức 02 phiên chợ hàng Việt về nông thôn trong khuôn khổ “Tết Quân - Dân” năm 2023 tại huyện Châu Thành và thành phố Trà Vinh; tham gia các cuộc hội chợ ngoài tỉnh: Hội chợ công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X, năm 2023 tại Cần Thơ; hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức 08 hội thảo về chính sách khuyến công và xúc tiến thương mại; 05 chuyến hội nghị, kết nối, có 66 lượt DN tham gia, ký 29 biên bản ghi nhớ, 09 hợp đồng nguyên tắc.
Theo đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương, hoạt động thương mại điện tử trong 06 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả quan trọng, tổ chức 01 chuyến kết nối cung cầu hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh với các sàn thương mại điện tử Tiki, Droppii, Accesstrade để bán hàng trên TiktokShop, Lazada, có 14 DN tham gia; hỗ trợ đưa các sản phẩm của Công ty TNHH chế biến Dừa sáp Cầu Kè lên sàn thương mại điện tử Alibaba.com; thực hiện Đề án “Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Trà Vinh” được phê duyệt theo đề án chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2023; hỗ trợ 14 lượt DN/HTX tham gia sàn với 27 loại sản phẩm là OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đạt chứng nhận an toàn, VietGAP, ISO,...
Với tinh thần chủ động, nhận diện khó khăn, kịp thời tháo gỡ cho DN, tin rằng cộng đồng DN của tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tính năng động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… góp phần đồng hành cùng với tỉnh nâng cao chỉ số thành phần Chính sách hỗ trợ DN, cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN