Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường Việt Nam. Quá trình này đòi hỏi nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, trong đó có các cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký... tham gia.
Hai nhóm vấn đề cần tập trung tháo gỡ
Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”.
Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật DN 2020 và các văn bản hướng dẫn đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như: tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường minh bạch hơn…
Bên cạnh việc phát triển về quy mô, thanh khoản, TTCK Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Hiện nay, nhiều DN đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó, riêng nhóm VN30 đã có 100% DN công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới hỗ trợ cho nâng hạng cũng đã được quy định rõ ràng hơn trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 96/2020/TT-BTC. Sắp tới, UBCKNN sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để bảo đảm TTCK tăng tính minh bạch, công khai, bền vững, hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng.
Theo đánh giá chung của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới. Đó là yêu cầu ký quỹ - có tiền trước khi giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hũu nước ngoài.
Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&ĐT.
Cũng đề cập đến sự quan trọng của 2 tiêu chí trên trong nâng hạng TTCK Việt Nam, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, hiện, các cơ quan chức năng đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể bảo đảm thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI.
Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đáp ứng được 8/17 tiêu chí nâng hạng của MSCI và 7/9 điều kiện của FTSE Russell.
“Nhìn chung các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam. Trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều. Tuy nhiên, một trong những điều kiện quan trọng nhất mà cả FTSE hay MSCI đều nhắc đến đối với hạn chế của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch”- báo cáo của SSI đánh giá.
Nắm rõ cơ hội và thách thức nâng hạng thị trường
Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí, trong quá trình đánh giá nâng hạng, Việt Nam cần chủ động trong các vấn đề khác nhằm hướng tới thu hút đầu tư như: đáp ứng thống lệ quốc tế; chất lượng DN niêm yết; và tính ổn định, nhất quán của chính sách kinh tế…
Theo đó, vai trò của các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và thanh toán là rất quan trọng. Hệ thống vận hành và các quy trình quản trị rủi ro của công ty chứng khoán cần được tập trung chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu liên quan tới giao dịch.
Thị trường hiện tại diễn biến tiêu cực và lình xình do tâm lý chờ đợi mọi thứ tốt hơn. Năm 2024, sẽ có nhiều câu chuyện tích cực hơn là kỳ vọng phục hồi kinh tế, dự báo kết quả kinh doanh của DN niêm yết tích cực hơn hay triển vọng Việt Nam được nâng hạng thị trường.
Giám đốc đầu tư - Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital Đinh Đức Minh
Với các DN niêm yết, cần hiểu rõ được các cơ hội cũng như thách thức có thể có trong quá trình nâng hạng thị trường. Ví dụ, với quá trình điều chỉnh giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các DN có thể chủ động rà soát ngành nghề và điều chỉnh lại đăng ký kinh doanh để đề xuất nới giới hạn sở hữu.
Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, bao gồm các quy định về thị trường, thông tin của các sở giao dịch, trung tâm lưu ký chứng khoán và thông tin về các DN, là rất cần thiết để tạo sự bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm với điều kiện phải truyền thông tốt cho các DN niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước coi nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu trọng yếu. Tuy nhiên, chúng ta còn phải rất nỗ lực. Trước tiên là đòi hỏi công bố thông tin của DN niêm yết phải bằng tiếng Anh. Hiện nay, các quy định mới ở mức khuyến khích, còn nếu bắt buộc thì sẽ gây áp lực lớn cho DN.
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn
Mới đây, báo Bangkok Post ngày 30/10/2023 trích dẫn báo cáo của hãng tư vấn Tisco Advisory thuộc Ngân hàng Tisco (Thái Lan) cho biết, các nhà đầu tư nên theo dõi TTCK Việt Nam và chuẩn bị nắm bắt thời cơ nếu thị trường này được nâng hạng từ thị trường cận biên thành TTCK mới nổi. Nếu quá trình này diễn ra theo đúng kế hoạch, việc nâng hạng sẽ được thông báo vào tháng 9/2024 và quá trình nâng hạng sẽ diễn ra vào tháng 9/2025.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/no-luc-nang-hang-thi-truong-chung-khoan.html