Nỗ lực ngoại giao
Bộ trưởng Ngoại giao Iran M.Zarif vừa kết thúc chuyến thăm bốn nước gồm: Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và Pháp nhằm thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để giảm tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Iran muốn tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu để tháo gỡ những khó khăn kinh tế hiện nay, cũng như giảm sức ép từ Mỹ, trong bối cảnh Pháp đang đưa ra một kế hoạch nhằm xoa dịu căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran bị đẩy lên nấc thang căng thẳng mới sau khi Washington thông báo muốn bắt giữ tàu chở dầu của Iran Adrian Darya, từng được biết đến với tên gọi Grace 1, vừa được chính quyền vùng lãnh thổ Gi-bran-ta của Anh trả tự do. Bộ Tư pháp Mỹ phát lệnh tịch thu toàn bộ số dầu trên tàu trị giá 995 nghìn USD, với lý do tàu này vi phạm Đạo luật quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA); đồng thời yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực không hỗ trợ tàu của Iran. Washington còn tuyên bố sẽ thực hiện mạnh mẽ biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn các ngành vận tải tư nhân hỗ trợ tàu chở dầu Adrian Darya hoặc cho phép tàu của Iran cập bến. Trước sức ép của Mỹ, giới chức Hy Lạp tuyên bố không cho phép tàu chở dầu Adrian Darya cập cảng nước này, buộc con tàu phải thay đổi hướng di chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh đó, những nỗ lực ngoại giao với châu Âu đã được Iran thúc đẩy. Trong chuyến thăm châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Iran M.Zarif đã trao đổi với Tổng thống Pháp E.Macron về thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký với nhóm P5+1 năm 2015. Iran muốn hối thúc Pháp, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong Liên hiệp châu Âu (EU), tác động để EU thực hiện cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân nhằm bảo vệ lợi ích của Tehran. Để cứu vãn tình hình, Tổng thống Pháp E.Macron đã đề xuất giảm bớt các biện pháp trừng phạt Iran hoặc đưa ra “một cơ chế bồi thường” cho phép người dân nước Cộng hòa Hồi giáo có cuộc sống được cải thiện hơn. Đổi lại, Tehran sẽ phải thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân, sau khi Iran liên tục cắt giảm những cam kết, đẩy JCPOA tới bờ vực đổ vỡ. Kế hoạch này đã được ông chủ điện Elysee phác thảo chi tiết với Tổng thống Mỹ D.Trump trong bữa trưa làm việc bên lề hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Biarritz (Pháp).
Một loạt các vấn đề hiện nay cần giải quyết nhằm giảm tình trạng khó khăn cho nền kinh tế Iran cũng như làm dịu căng thẳng ở vùng Vịnh đã được người đứng đầu ngành ngoại giao Iran đề cập trong cuộc gặp người đồng cấp Phần Lan, quốc gia hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU. Iran nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận hành đầy đủ Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) - một cơ chế thương mại do EU lập nên nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Trong khi đó, Helsinki cũng được cho là có thể giữ vai trò trung gian giúp thay vì đối đầu bằng đối thoại giữa Mỹ và Iran.
Trong khi các nỗ lực ngoại giao được xúc tiến thì Iran tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn, đưa ra tuyên bố sẽ không đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới với Mỹ. Tehran cũng khẳng định khả năng to lớn trong việc bảo đảm an ninh khu vực khi nước này sở hữu đường bờ biển dài nhất ở vùng Vịnh. Iran cảnh báo, Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu bắt giữ tàu chở dầu của nước này ở vùng biển quốc tế. Tổng thống Iran H.Rouhani còn tuyên bố, nếu xuất khẩu dầu mỏ của nước này bị cắt giảm xuống mức 0 như mục tiêu của Mỹ, các vùng biển quốc tế sẽ không còn được bảo đảm an ninh như trước. Bên cạnh đó, Iran chủ trương không ngừng nâng cao sức mạnh phòng thủ. Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) H.Salame mới đây thông báo quốc gia này vừa phóng thử thành công một tên lửa mới. Iran ra mắt hệ thống tên lửa di động đất đối không tầm xa Bavar-373, được truyền thông nước này mô tả là một đối thủ cạnh tranh của hệ thống tên lửa S-300 của Nga.
Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Iran bắt đầu chuyến thăm tới các quốc gia Đông Á. Tổng thống Iran khẳng định, nước này cố gắng duy trì các mối quan hệ hữu nghị với nhiều nước ở cả “phương Đông và phương Tây”, bất chấp sức ép của Washington nhằm cô lập Tehran. Với những nỗ lực ngoại giao, Iran mong muốn cải thiện tình hình kinh tế cũng như muốn chứng tỏ ý chí không chịu khuất phục trước sức ép mạnh mẽ từ Mỹ. Một kế hoạch xoa dịu căng thẳng ở vùng Vịnh đang được Pháp và các nước châu Âu xúc tiến. Đây là tín hiệu tích cực phần nào góp phần làm dịu sức nóng gia tăng từ căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran hiện nay.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41338502-no-luc-ngoai-giao.html