Nỗ lực ổn định kinh tế thế giới
Cơ quan Năng lượng quốc tế cảnh báo thị trường dầu mỏ thế giới đang đối diện khủng hoảng nguồn cung...
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 16-3 thông báo tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 3 năm, khởi động chiến dịch giải quyết tình trang lạm phát đang tăng nhanh nhất trong 4 thập kỷ qua bất chấp rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại.
FED chống lạm phát
Sau khi duy trì lãi suất cơ bản cố định gần mức 0 kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, FED quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm, qua đó nâng biên độ lãi suất lên mức 0,25%-0,5%. Các quan chức FED hôm 16-3 cho biết FED sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong những tháng tới. Theo đài CNBC, FED dự kiến có 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022, lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay.
Hãng tin Bloomberg cho hay các chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ đã nhanh chóng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 16-3 (giờ địa phương) sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell loại trừ nguy cơ suy thoái và tuyên bố nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chịu được chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Thị trường chứng khoán châu Á cũng ngập tràn "sắc xanh" trong phiên giao dịch ngày 17-3.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định FED đang đối mặt nhiệm vụ đầy thách thức là bảo đảm hạ cánh mềm (một xu thế xuống dốc theo chu kỳ để tránh suy thoái) cho nền kinh tế số 1 thế giới.
Việc thắt chặt chính sách quá chậm có nguy cơ khiến lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát, đòi hỏi phải có hành động cứng rắn thêm. Ngược lại, nếu thay đổi chính sách quá nhanh thì ngân hàng trung ương có thể làm chao đảo thị trường và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Các quan chức FED cũng cảnh báo lạm phát cao hơn đáng kể so với dự báo trước đó, ở mức 4,3% trong năm nay nhưng sẽ giảm xuống 2,3% vào năm 2024. Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2022 cũng bị hạ từ mức 4% xuống 2,8%.
Việc nâng lãi suất có thể kéo theo phí vay tăng đối với những người muốn mua nhà và ôtô. Phí vay tăng còn làm giảm nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng, kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế. Lãi suất của các khoản vay kinh doanh cũng sẽ cao hơn đối với doanh nghiệp lớn và nhỏ.
Các nhà kinh tế cảnh báo lạm phát có thể còn tồi tệ hơn trong tháng 3-2022 do giá hàng hóa đã tăng vọt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo đài CNN, bước đầu của FED trong chuỗi tăng lãi suất nhằm tránh lạm phát cần thời gian để đạt hiệu quả. Dù vậy, lạm phát vẫn sẽ phụ thuộc vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, sự xáo trộn chuỗi cung ứng và đại dịch Covid-19.
Thế khó của cường quốc dầu mỏ
Cũng trong ngày 16-3, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bay đến Ả Rập Saudi. Trước đó một ngày, điều phối viên Trung Đông của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Brett McGurk cũng đến đây. Theo Reuters, đây là một phần trong nỗ lực gia tăng sức ép lên Ả Rập Saudi để buộc nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này bơm thêm nguồn cung và tham gia nỗ lực cô lập kinh tế Nga.
Dù vậy, Ả Rập Saudi và nước láng giềng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đến giờ vẫn khước từ lời kêu gọi của phương Tây về việc tăng cường sản xuất.
Tại phiên họp gần đây nhất của OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước sản xuất bên ngoài, trong đó có Nga) diễn ra ngày 2-3 giữa lúc phương Tây ồ ạt áp lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow, bộ trưởng Ả Rập Saudi cùng những người đồng cấp đã né tránh vấn đề Ukraine và nhanh chóng nhất trí tuân theo chính sách sản xuất hiện hành.
Ngoài ra, Riyadh còn phát tín hiệu cho thấy họ muốn củng cố quan hệ với Bắc Kinh bằng việc mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Ả Rập Saudi trong năm nay. Theo báo The Wall Street Journal, Ả Rập Saudi đang xem xét khả năng bán dầu thô bằng đồng nhân dân tệ cho Trung Quốc.
Chuyên gia Karen Young của Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định với Reuters rằng nhiều khả năng đây chỉ là lời đe dọa nhằm phản ứng với những hành động của phương Tây. Vị này nhấn mạnh mọi sự chuyển dịch sang đồng nhân dân tệ đều đối mặt với hàng loạt thách thức thực tế, nhất là khi dầu thô toàn cầu và nợ công của Ả Rập Saudi được định giá bằng USD.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA) ngày 16-3 cảnh báo thị trường dầu mỏ thế giới đang đối diện "khủng hoảng nguồn cung tồi tệ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ", khi các biện pháp trừng phạt buộc Nga cắt giảm 30% sản lượng dầu thô (khoảng 3 triệu thùng/ngày) từ tháng 4-2022 vì không tìm được đường ra thị trường quốc tế.
Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng năng lượng ngắn hạn được công bố vào tuần trước, EIA dự đoán giá dầu thô Brent trung bình sẽ chạm mức 117 USD/thùng trong tháng 3, trước khi giảm còn 116 USD/thùng trong quý II và 102 USD/thùng trong 6 tháng cuối năm 2022.
Tại Nga, người dân bắt đầu cảm nhận được hệ quả kinh tế từ cuộc xung đột ở Ukraine, theo đài Al Jazeera. Bộ Kinh tế Nga ngày 16-3 thông báo lạm phát năm 2022 đã tăng lên 12,5% tính đến ngày 11-3, so với 10,4% của một tuần trước đó.
Báo Kommersant cùng ngày cho biết giá thực phẩm từ ngày 26-2 đến 4-3 đã tăng thêm 10,4% - tỉ lệ cao chưa từng thấy kể từ năm 1998. Trong 3 tuần qua, đồng rúp của Nga đã giảm khoảng 20% giá trị, buộc nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải nâng giá sản phẩm và dịch vụ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/no-luc-on-dinh-kinh-te-the-gioi-2022031721174795.htm