Nỗ lực ổn định thị trường sách giáo khoa

Việc các cơ quan điều tra đã quyết liệt vào xử lý sai phạm liên quan đến sách giáo khoa, hy vọng trong thời gian tới, thị trường sách giáo khoa sẽ ổn định, tạo động lực cho cải cách chất lượng dạy và học phổ thông.

Thị trường sách giáo khoa vốn ổn định, tiềm năng

Trong các năm 2020, 2021, 2022 vừa qua, nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở khắp các địa phương, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội liên tục nhiều tháng trời, phần lớn học sinh ở phía Nam phải học trực tuyến ở nhiều thời điểm khác nhau.

Thế nhưng, sách giáo khoa phổ thông không bao giờ lo ế ẩm bởi thị trường luôn ổn định và nhiều loại sách chương trình 2006 như sách VNEN, sách chương trình 2018, sách tiếng Anh lâu nay đang được bán theo số lượng mà nhà trường đăng ký với các công ty phát hành sách.

Số lượng học sinh năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Sách giáo khoa in ra không bán được năm nay thì năm sau bán. Giá sách được in trên bìa và phụ huynh không bao giờ được trả giá, mặc cả.

Dù với chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn độc quyền của riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng có lẽ sự minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa vẫn chưa được đề cao. Địa phương nào chọn sách nào cho môn học là cả địa phương đó cùng dạy 1 sách đó - cho dù hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các nhà trường đều thể hiện sự minh bạch, đầy đủ các bước.

Nếu minh bạch thực sự như hướng dẫn của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông sẽ không có chuyện cả tỉnh, cả thành phố cùng dạy chung một bộ sách giáo khoa của một nhà xuất bản.

Vụ việc làm "điên đầu" các cơ quan quản lý và dư luận

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra Quyết định Khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can có liên quan.

Sự việc này phần nào lý giải cho dư luận giải đáp thắc mắc vì sao giá sách giáo khoa trong những năm qua đã tăng liên tục đối với sách giáo khoa chương trình 2006 (khi độc quyền) và cả chương trình trình 2018 (khi đã xã hội hóa sách giáo khoa).

Lương lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao, lãi đơn vị lớn, giá giấy bị kê lên 1,7 lần.

Giá sách giáo khoa trong hàng chục năm qua đã nhiều lần tăng giá buộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải lý giải trước công luận.

Sách giáo khoa chương trình 2006 và kể cả các chương trình trước đó đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền. Thị trường ổn định vì hàng chục năm qua, mỗi năm cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông bắt buộc phải mua sách giáo khoa, sách bài tập của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bên cạnh sách giáo khoa bắt buộc phải mua để học thì các đơn vị phát hành sách và nhiều trường học phổ thông đã lồng ghép thêm sách bài tập, sách tham khảo theo kiểu "bia kèm lạc" để bán cho học sinh.

Sự nhập nhằng trong hướng dẫn của Văn bản số 2372/BGDĐT-GDTrH được ban hành vào ngày 11/4/2013 đã "dẫn đến những nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh cả xã hội, khiến họ hiểu rằng sách bài tập được nhà xuất bản xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm với sách giáo khoa"- như Thông báo Kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 28/12/2022 vừa qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Nguyên nhân sau cùng của việc đẩy giá sách giáo khoa?

Thứ nhất: lãi của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tương đối cao. Chẳng hạn, trong Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 cho chúng ta rõ hơn về điều này.

Theo "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố thì năm 2021 đơn vị này đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra.

Về các chỉ tiêu tài chính đạt doanh thu hơn 1.828 tỷ đồng, đạt 132% so với kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động phân phối sách giáo khoa, sách tham khảo, xuất bản phẩm khác chiếm tới 97%, phần còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

Từ doanh thu năm 2021, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế đạt 287,4 tỷ đồng, đạt 250% so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Bên cạnh đó, cả 7 công ty con của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tương tự do nhà xuất bản này nắm quyền chi phối đều báo lãi, với tổng cộng 46 tỷ đồng.

Thứ hai: lương của lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rất cao và tương đối ổn định. Năm 2021, có nhiều lãnh đạo của đơn vị này có lương lên đến hơn nửa tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận mức lương 544.320.000 đồng/năm, cộng với khoản 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác. Như vậy, tổng thu nhập năm 2021 của ông Nguyễn Đức Thái khoảng 664.320.000 đồng. Người có tổng thu nhập đứng ở vị trí thứ hai tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là ông Hoàng Lê Bách - Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc, với gần 620 triệu đồng. Trong đó, tiền lương là 538.070.400 đồng và 80 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác…

Đặt mức thi nhập này trong bối cảnh năm 2021- khi mà phần lớn phụ huynh trên cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội suốt nhiều tháng trời sẽ thấy mức thu nhập nhiều lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là niềm mơ ước của nhiều người.

Các năm trước đó, lương, thưởng của nhiều lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng có con số tương đồng với năm 2021 và điều này không khó để chúng ta tìm lại những con số này.

Thứ ba: giá giấy thầu được lãnh đạo một số lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đơn vị đối tác đẩy lên cao. Theo Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, riêng giai đoạn 2014-2019, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (tương ứng hơn 1.890 tỉ đồng).

Kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của công ty này cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (1/3 tổng lượng giấy in đã cung cấp, tương ứng hơn 528 tỉ đồng) thì phát hiện giá giấy in công ty bán cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá công ty nhập khẩu trực tiếp (tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỉ đồng).

Kết luận thanh tra nêu rõ, những nội dung nêu trên cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tất nhiên, giá sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị đẩy lên cao còn nhiều nguyên nhân khác nữa nhưng với 3 nguyên nhân trên cũng đủ cho phụ huynh học sinh, giáo viên phải oằn lưng gánh giá mua sách giáo khoa cho con em mình mỗi năm mà không biết kêu ai?!

Thành Phúc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/no-luc-on-dinh-thi-truong-sach-giao-khoa-17923021710315317.htm