Nỗ lực phân phối vắc-xin công bằng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, vắc-xin hiện được xem là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, nhiều nước đang thúc đẩy ký kết các thỏa thuận mua vắc-xin nhằm bảo đảm kế hoạch tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, 'cuộc đua' tìm kiếm nguồn cung vắc-xin này lại đang gây lo ngại về tình trạng tiếp cận vắc-xin thiếu công bằng giữa các quốc gia, cũng như những tác động tiêu cực với nỗ lực chung chống dịch.

Một điểm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Tân Hoa Xã

Một điểm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh Tân Hoa Xã

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, vắc-xin hiện được xem là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, nhiều nước đang thúc đẩy ký kết các thỏa thuận mua vắc-xin nhằm bảo đảm kế hoạch tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, “cuộc đua” tìm kiếm nguồn cung vắc-xin này lại đang gây lo ngại về tình trạng tiếp cận vắc-xin thiếu công bằng giữa các quốc gia, cũng như những tác động tiêu cực với nỗ lực chung chống dịch.

Nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn còn hạn chế do hiện nay chỉ có một số loại vắc-xin của các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca/Oxford… được các cơ quan quản lý dược phẩm cấp phép lưu hành. Trong khi nhiều loại vắc-xin khác đang trong quá trình thử nghiệm và vẫn chưa được kiểm chứng về tính hiệu quả, an toàn phòng dịch. Các nước đều muốn sớm tiến hành kế hoạch tiêm chủng nhằm đẩy lùi đại dịch. Bởi vậy, sự xuất hiện của những biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 từ Anh, Nam Phi càng khiến các quốc gia đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận mua vắc-xin. Tuy nhiên, điều này khiến việc phân phối vắc-xin đồng đều càng trở nên khó khăn hơn, đồng thời gây sức ép với các hãng dược phẩm đang nỗ lực đáp ứng nguồn cung vắc-xin.

Tại cuộc họp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút đã bày tỏ lo ngại về vấn đề phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 trên thế giới hiện nay; đồng thời hối thúc các nước và các hãng sản xuất chia sẻ vắc-xin đồng đều hơn. Ông T.Ghê-brây-ê-xút cho biết, hơn 39 triệu liều vắc-xin đang được phân phối tại 49 nước có thu nhập cao, trong khi có nước nghèo chỉ mới nhận được 25 liều vắc-xin. Cũng tại cuộc họp của WHO, một đại biểu từ Buốc-ki-na Pha-xô, đại diện nhóm châu Phi, đã bày tỏ lo ngại rằng, một số quốc gia đã tích trữ hầu hết các nguồn cung vắc-xin.

Nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng với vắc-xin ngừa Covid-19, WHO đã khởi xướng Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX. Chương trình COVAX đã đạt được các thỏa thuận cung ứng vắc-xin với các hãng dược phẩm như AstraZeneca/Oxford, Johnson & Johnson..., nhằm đáp ứng gần hai tỷ liều vắc-xin cho các bên tham gia. Theo kế hoạch, 190 nền kinh tế đồng ý tham gia COVAX sẽ tiếp cận được vắc-xin trong sáu tháng đầu năm 2021, với lô hàng đầu tiên bắt đầu được phân phối trong quý I-2021. Trong năm 2021, COVAX đặt mục tiêu phân phối 1,3 tỷ liều vắc-xin cho 92 nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình.

Ngay trước khi kế hoạch tiêm chủng của chương trình COVAX được triển khai, Tổng Giám đốc WHO cho rằng, triển vọng phân phối vắc-xin công bằng đang tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng. Theo ông T.Ghê-brây-ê-xút, đã có 44 thỏa thuận song phương về cung cấp vắc-xin được ký kết trong năm 2020 và sẽ có ít nhất 12 thỏa thuận khác được ký kết trong năm 2021. Những thỏa thuận mua bán vắc-xin riêng rẽ giữa các quốc gia và các hãng dược phẩm có thể làm chậm trễ việc phân phối vắc-xin theo chương trình COVAX; đồng thời dẫn đến tình trạng bất ổn của thị trường vắc-xin, kéo theo sự bất ổn về kinh tế, xã hội. Tình trạng này sẽ khiến những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất hứng chịu hậu quả đầu tiên và có nguy cơ khiến đại dịch kéo dài.

Hiện vắc-xin có thể bổ sung, nhưng chưa thể thay thế những biện pháp đang được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO khẳng định, sự xuất hiện của vắc-xin ngừa Covid-19 là “ánh sáng cuối đường hầm” trong nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19; song nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành tiêm phòng đồng thời tại tất cả các quốc gia. Bởi vậy, bên cạnh việc duy trì những biện pháp chống dịch cần thiết, việc phân phối vắc-xin cần được bảo đảm công bằng và các kế hoạch tiêm phòng cần có sự phối hợp thực hiện giữa các quốc gia nhằm tạo ra nỗ lực chung đẩy lùi đại dịch.

Minh Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/no-luc-phan-phoi-vac-xin-cong-bang-634761/