Nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải (GTVT) , với những cơ chế, chính sách ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trong những năm qua, đến nay, Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thiện mạng lưới đường tỉnh và một số dự án trọng điểm mang tính động lực, giúp kết nối thuận tiện, phục vụ phát triển du lịch, logistics và các ngành kinh tế thế mạnh khác.

Nhiều dự án giao thông được đầu tư, hoàn thiện

Trong những năm qua, nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được triển khai, đi vào hoạt động. Đến nay, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh có 4.878 tuyến với tổng chiều dài khoảng 5.174km được phân bố hợp lý, giúp đảm nhiệm vai trò kết nối Bắc - Nam và vùng Tây Nguyên. Cụ thể, nhiều công trình giao thông đường bộ mang tính động lực phát triển kinh tế đã được đầu tư và đưa vào khai thác như: Đường Võ Nguyên Giáp; cầu Xóm Bóng; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh dài 152km; Dự án BOT Quốc lộ 26… Bên cạnh đó, các công trình đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thiện đi vào hoạt động đã kết nối thông suốt với các đoạn tuyến còn lại từ Nha Trang đến TP. Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng để phương tiện lưu thông nhanh hơn, làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa, từ đó góp phần phát triển lĩnh vực du lịch, thương mại, logistics. Hiện nay, công trình đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang và đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được khẩn trương triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2025 và 2026 sẽ đem lại động lực phát triển mạnh mẽ về kinh tế cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Tuyến đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang dự kiến đi vào hoạt động vào ngày 30-4-2025, hoàn thành trước 8 tháng so với kế hoạch.

Tuyến đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang dự kiến đi vào hoạt động vào ngày 30-4-2025, hoàn thành trước 8 tháng so với kế hoạch.

Về cảng biển, toàn tỉnh đã đưa vào khai thác 17 bến cảng biển và 1 khu chuyển tải dầu, chủ yếu là bến cảng tổng hợp, bến cảng xăng dầu, bến chuyên dụng. Trong đó, khu vực vịnh Vân Phong có 9 bến cảng và 1 khu chuyển tải dầu, khu vực vịnh Nha Trang có 3 bến cảng, khu vực vịnh Cam Ranh có 5 bến cảng. Bên cạnh đó, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã từng bước được nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Cụ thể, đường cất hạ cánh số 2 đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn cấp 4E để có thể đón nhận 2,5 triệu hành khách và 50.000 tấn hàng hóa/năm. Dự án Nhà ga hành khách quốc tế được đầu tư theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 và 1B lần lượt được thiết kế với công suất 2,5 triệu khách vào năm 2020 và 4 triệu khách vào năm 2025 đã đưa vào sử dụng.

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Khánh Hòa là cảng biển loại I, tiềm năng phát triển là cảng biển loại đặc biệt, trong đó gồm có 4 khu bến: Bắc Vân Phong, Nam Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, đầu tư mở rộng các cảng tổng hợp hiện có, các cảng chuyên dùng theo quy hoạch để phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách. Còn theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4E và tại khu vực xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) được định hướng quy hoạch cảng hàng không tiềm năng. Hiện nay, Bộ GTVT đang lập điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Phương án phát triển bổ sung đường cất hạ cánh số 3 tại đây. Đồng thời, UBND tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xem xét, quyết định bổ sung Cảng Hàng không Vân Phong vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc để làm cơ sở triển khai xây dựng Cảng Hàng không Vân Phong.

Đảm bảo kết nối đồng bộ, liên hoàn

Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối đồng bộ, liên hoàn. Bên cạnh đó, sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông mang tính đột phá kết hợp đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, ngành GTVT đang tập trung triển khai và lập thủ tục triển khai các dự án trọng điểm như: Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; Dự án Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh; Đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung; Dự án Nâng cấp, mở rộng cải tuyến Tỉnh lộ 1B (đoạn từ nút giao Quốc lộ 26B đến nút giao Tỉnh lộ 1B); Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa… Đồng thời, nghiên cứu một số dự án như: Xây dựng hầm qua núi Cù Hin; Mở rộng Quốc lộ 27C từ nút giao đường Võ Nguyên Giáp đến nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Đường di sản kết nối Tháp Bà Ponagar đến Am Chúa.

Tuyến đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã đi vào hoạt động hơn 1 năm, góp phần kết nối Khánh Hòa với các tỉnh phía nam được thuận lợi hơn.

Tuyến đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm đã đi vào hoạt động hơn 1 năm, góp phần kết nối Khánh Hòa với các tỉnh phía nam được thuận lợi hơn.

Ông Chu Văn An - Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT cho biết, thời gian tới, ngành GTVT sẽ khẩn trương tích hợp quy hoạch hạ tầng giao thông vào các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng, phân khu đô thị để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các địa phương, trung tâm kinh tế, du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; phát triển hạ tầng giao thông thông minh để điều hành toàn bộ hệ thống giao thông công cộng trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành GTVT sẽ nghiên cứu các giải pháp, cách thức nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung huy động nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư, đặc biệt là triển khai các giải pháp thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Việc phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện của địa phương về xây dựng, phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

VĂN KỲ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202501/no-luc-phat-trien-ha-tang-giao-thong-a06487c/