Nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình

Hội LHPN tỉnh tuyên truyền phòng chống BLGĐ thông qua hình thức sân khấu hóa. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được các cấp Hội LHPN Phú Yên đặc biệt quan tâm. Những nỗ lực này của các cấp hội đã góp phần chuyển biến nhận thức, hành động của người dân trong việc phòng chống BLGĐ, chung tay vì sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ các địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bạo lực đối với phụ nữ thường được biết đến như là bạo lực trên cơ sở giới, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thân thể, nhân phẩm người phụ nữ, gây trở ngại lớn cho bình đẳng giới và vi phạm quyền con người. Tại Việt Nam, theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 thì số phụ nữ bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời vẫn chiếm tỉ lệ rất cao, mặc dù so với những năm trước đây con số này đã có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn bị che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Trên 90% phụ nữ bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng. Chính tâm lý e ngại, không dám chia sẻ, không mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực là một trong những nguyên nhân khiến BLGĐ trở nên nghiêm trọng.

Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, từ nhiều năm nay, các cấp Hội LHPN Phú Yên đãđẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình...

Đồng thời, thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, các cấp hội cũng đãlồng ghép tuyên truyền phòng chống BLGĐ với các cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ các địa phương.

Đặc biệt, thực hiện chủ đề năm 2020 về An toàn cho phụ nữ và trẻ em, 100% Hội LHPN cấp huyện tổ chức các hoạt động hưởng ứng chủ đề này, trong đó trọng tâm tập trung vào các nội dung phòng chống BLGĐ, phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em... cho trên 139.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ toàn tỉnh.

Hiệu quả từ Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng

Để giảm thiểu BLGĐ, kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ và các nhu cầu thiết yếu khác nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, hạn chế những hậu quả của BLGĐ, Hội LHPN xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) đã phối hợp với địa phương thành lập mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Sau 7 năm hoạt động, trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN xã, UBND xã Hòa Phú đã nhân rộng mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng điểm tại thôn Lương Phước thành 5 địa chỉ tin cậy tại 5 thôn.

Đến nay, các địa chỉ này đã giúp đỡ cho 11 lượt nạn nhân và trực tiếp tư vấn cho trên 10 trường hợp là nạn nhân bị BLGĐ và nhiều trường hợp liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình, nuôi dạy con cái. Chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phú cho biết: Mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ở xã không chỉ giúp cho nạn nhân bị BLGĐ có nơi tạm lánh an toàn, mà còn là nơi tư vấn về pháp luật, tâm lý giúp phòng ngừa, can thiệp sớm khi có dấu hiệu BLGĐ. Và cũng từ mô hình này mà nhiều đôi vợ chồng “gương vỡ lại lành”, hàn gắn hạnh phúc, chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Trước kia anh N thường xuyên rượu chè, đánh đập chửi bới vợ con. Những lúc như vậy, chị L - vợ anh không chịu nổi, nên tìm đến địa chỉ tin cậy ở địa phương nhờ giải quyết. Từ sự khuyên nhủ, phân tích thiệt hơn của cán bộ hội, anh N đã thức tỉnh, tu chí làm ăn, hàn gắn tình cảm gia đình, ổn định cuộc sống. Chị Huệ cho biết, không chỉ anh N mà nhiều đối tượng BLGĐ ở địa phương sau khi được tuyên truyền, giải thích, hầu hết đãdần chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi.

Với mục đích trở thành chỗ dựa tinh thần cho chị em địa phương bị BLGĐ, hơn 15 năm qua, chị Nguyễn Quang Thị Thinh ở buôn Trinh (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) tự nguyện trở thành một Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời phụ nữ trong buôn có nơi tạm lánh an toàn mỗi khi bị BLGĐ.

Chị Thinh cho hay: Trong những năm qua, chị thường được Hội Phụ nữ địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về công tác hòa giải, phòng chống BLGĐ, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc... Nhờ vậy, chị được trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng để tư vấn, hỗ trợ phụ nữ và người dân địa phương tích cực xây dựng cuộc sống hạnh phúc, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ổn định trật tự xãhội ở địa phương.

Có thể nói, với mục tiêu hoạt động vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ, nhiều năm qua các cấp hội phụ nữ không ngừng nỗ lực phòng chống BLGĐ; hỗ trợ phụ nữ các địa phương chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc.

Tuy nhiên, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương về việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ để góp phần xây dựng những gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Đến nay, các cơ sở Hội LHPN ở 9 huyện, thị, thành hội đã duy trì, củng cố hoạt động 165 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Các địa chỉ này đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy với người dân địa phương, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của người dân trong công tác phòng chống BLGĐ, chung tay vì sự phát triển bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ các địa phương.

KHÁNH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/249502/no-luc-phong-chong-bao-luc-gia-dinh.html