Nỗ lực phòng, chống buôn lậu trên địa bàn Tây Ninh
Giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp. Một trong những 'điểm nóng' về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại là các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh.
Vừa căng sức phòng, chống dịch, các lực lượng chức năng, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) vừa tăng cường trinh sát tuần tra, kiểm soát, ứng dụng công nghệ cao phát hiện, điều tra, xử lý các đối tượng và đầu nậu buôn bán, vận chuyển hàng lậu...
Phương thức buôn lậu vừa thủ công, vừa hiện đại
Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Phước Chỉ, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh, đơn vị quản lý hơn 13km đường biên thuộc địa bàn huyện Trảng Bàng, nơi có nhiều đường mòn, đường tắt thông biên giới. Đây là địa bàn các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu triệt để lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm pháp. Thời gian qua, đơn vị đã phát hiện, triệt phá 17 vụ buôn lậu, thu hơn 74.800 bao thuốc lá lậu, 9 xe máy... Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hạ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Chỉ, phương thức vận chuyển hàng lậu ở khu vực này phổ biến là đi nhỏ, lẻ qua các đường mòn, lối mở vào ban đêm, nhất là tầm nửa đêm. Trong quá trình tuần tra, các cán bộ, chiến sĩ đã bắt giữ nhiều đối tượng mang vác hàng lậu di chuyển trên đường mòn, lối mở từ biên giới Campuchia vào Việt Nam. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng sẵn sàng vứt tang vật bỏ chạy.
Tại các Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Xa Mát..., phương thức buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra tinh vi hơn. Các đối tượng buôn lậu thường cất giấu, trộn hàng lậu lẫn các loại hàng hóa khác và dùng giấy than, giấy bạc, giấy chống soi chiếu... để qua mặt các lực lượng chức năng. Trước khi xuất, nhập hàng hóa, các đối tượng thường không khai và khai không đúng tên hàng, số lượng hàng hóa nhằm thẩm lậu, trốn thuế hoặc đăng ký gửi vào kho ngoại hải quan, nhưng thực tế lại không gửi. Khi bị phát hiện, các đối tượng thường không đến nhận hàng. Bên cạnh đó, không ít đối tượng còn ký gửi hàng hóa trên các phương tiện như xe khách, xe tải, xe buýt... Chúng lập ra các đường dây khép kín. Nhiều chủ hàng còn bắt người dân đặt cọc tiền hàng, nếu vận chuyển trót lọt mới được trả tiền công. Hàng lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, hàng gia dụng, đồ điện tử, rượu, khẩu trang y tế, mỹ phẩm... Thời gian qua, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã phát hiện, bắt giữ 431 vụ với 493 đối tượng, thu hơn 238.000 bao thuốc lá lậu, hơn 587.000 khẩu trang y tế, 16kg ma túy tổng hợp... trong đó có tới 150 vụ buôn lậu, gian lận thương mại không có chủ hàng đến nhận hàng.
Cao điểm kiểm tra, đánh đúng, đánh trúng các đường dây buôn lậu
Tỉnh Tây Ninh có hơn 240km đường biên giới với Campuchia, là cửa ngõ kết nối TP Hồ Chí Minh với nước bạn. Vì vậy, mọi hàng lậu nếu qua biên giới sẽ nhanh chóng được tuồn vào địa bàn TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Chính vì vậy, nơi đây luôn là địa bàn các đối tượng lợi dụng. Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, để phòng, chống buôn lậu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, lực lượng chức năng mở đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ lực, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các lực lượng thành lập chuyên án để đấu tranh với các đường dây, đầu nậu. Dưới sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, mạng lưới các đồn, trạm BP đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn, tổ chức chốt trực 24/24 giờ tại các địa bàn, khu vực trọng điểm; phối hợp với công an, dân quân... tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã quan tâm đầu tư mua sắm phương tiện, kỹ thuật công nghệ hiện đại nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của lực lượng chức năng, tập trung các biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng cầm đầu, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu. UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm người đứng đầu ở từng địa phương, địa bàn, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm, ngăn chặn tình trạng dung túng, “bảo kê”, tiếp tay cho buôn lậu. Lực lượng chức năng đã lập đường dây nóng và có cơ chế, chính sách phát huy vai trò của quần chúng trong đấu tranh, tố giác tội phạm. Đặc biệt là hiện nay, nhiều tuyến đường trọng điểm đã được đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng ban đêm, camera quan sát, giúp nâng cao hiệu quả giám sát; tăng cường kiểm tra các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, kho, bãi tập kết hàng hóa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, thu giữ hàng không rõ nguồn gốc. Các địa phương tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... cam kết không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, hàng giả. Các đơn vị tăng cường cán bộ bám nắm cơ sở, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng gia đình, gắn với thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân, xây dựng địa bàn an toàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Campuchia và đơn vị bạn triển khai các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống buôn lậu.