Nỗ lực phòng chống dịch bệnh sau bão lũ
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng ngập lụt tại một số địa phương. Đây có thể là điều kiện làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Do đó, ngành y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ.
Thực hiện công văn của Sở Y tế về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau cơn bão số 3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch và thực hiện cấp 3.105kg Cloramin B và 243 lít Permethrin 50EC cho 27 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trước, trong, sau cơn bão số 3 và mưa lũ; cấp vật tư hóa chất đáp ứng công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh năm 2024; phân công đội thường trực phòng, chống bão trực 24/24h. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện ở cả 3 cấp, thực hiện giám sát thường xuyên tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại, 40 ca sốt phát ban nghi sởi, 118 ca COVID-19, 118 ca sốt xuất huyết, 147 ca tay chân miệng, 25 ca viêm gan B, 3 ca bạch hầu... Trong đó ghi nhận 1 ổ dịch bệnh dại trên người; 1 ổ dịch bạch hầu; 5 ổ dịch sốt xuất huyết...
Định kỳ hàng tháng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử các đoàn giám sát hỗ trợ tại các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó tăng cường hoạt động chỉ đạo chuyên môn tại 11 huyện miền núi nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng chống dịch bệnh.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3, huyện Thạch Thành có gần 300 nhà dân ở 7 xã, thị trấn bị ngập nước. Trung tâm Y tế huyện đã kịp thời báo cáo, tham mưu cho chính quyền địa phương bảo đảm dự trữ, cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Cùng với thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân, các đơn vị y tế trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng, chống bão, lũ. Đồng thời, triển khai các biện pháp ứng trực, ứng phó phòng, chống dịch bệnh trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong và sau lũ lụt.
Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại huyện Thạch Thành, đoàn công tác của Sở Y tế do Tiến sĩ Đỗ Thái Hòa làm trưởng đoàn đã động viên, chia sẻ với những thiệt hại mà người dân trên địa bàn huyện gặp phải do bão số 3 gây ra. Đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng, chủ động triển khai các phương án ứng trực, ứng phó về y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường với phương châm “Nước rút đến đâu, phải xử lý vệ sinh môi trường đến đó”, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh trước, trong, sau mưa lớn và lũ lụt tại địa phương.
Đoàn cũng tiến hành giám sát, để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra. Đồng thời tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cũng như phòng, chống một số bệnh thường gặp sau mưa bão, lũ lụt; chỉ đạo các địa phương “nước rút đến đâu, phải xử lý vệ sinh môi trường đến đó”, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.
Thanh Hóa cũng đề xuất Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) quan tâm chỉ đạo và cấp bổ sung cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa 500 lít hóa chất Permethrin 50EC; 20.000 viên sát khuẩn nước; 1.000kg Cloramin B để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường nước trong mùa mưa bão.
Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, ngành y tế khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/no-luc-phong-chong-dich-benh-sau-bao-lu-225106.htm