Nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS

ĐBP - Trong những năm qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tình hình bệnh HIV/AIDS có xu hướng giảm dần cả số người nhiễm mới, số người chuyển AIDS, số người chết do AIDS.

Bác sĩ Phòng khám ARV (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn cho bệnh nhân.

Đến hết quý I/2022, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 7.628 trường hợp, trong đó còn sống quản lý được 3.436 người. Lũy tích bệnh nhân AIDS 5.501 người; lũy tích tử vong 3.972 người. Trong quý I/2022 có 14 trường hợp nhiễm HIV mới, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 14 trường hợp; 11 trường hợp tử vong do AIDS. Hiện nay 10/10 huyện/thị xã/thành phố; 120/127 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được trên dân số là 0,54%. Toàn tỉnh hiện nay đã hình thành hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, bao gồm: 12 cơ sở điều trị ARV; 9 phòng xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV; 12 phòng tư vấn xét nghiệm HIV, xét nghiệm sàng lọc HIV tại 102 xã trên địa bàn 10/10 huyện/thị. Các phòng chẩn đoán HIV dương tính được triển khai tại các đơn vị nhằm đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV kịp thời tránh mất dấu, góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 đạt hiệu quả. Cùng với đó, 100% huyện/thị xã/thành phố triển khai dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 100% tuyến huyện, 127 xã/phường triển khai can thiệp giảm tác hại và thực hiện công tác quản lý, giám sát người nhiễm HIV/AIDS.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cũng được triển khai. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nghiên cứu và soạn thảo tài liệu, đảm bảo chuyển tải các thông tin, nội dung về HIV/AIDS mới nhất, chính xác nhất và phù hợp với các địa bàn triển khai các dịch vụ can thiệp mới; phù hợp bối cảnh và tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và văn hóa, truyền thống của địa phương. Đồng thời, củng cố các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS tại các xã, phường; duy trì các buổi sinh hoạt chuyên môn với các nhóm, câu lạc bộ thăm hỏi và động viên nhau. Đặc biệt là câu lạc bộ của nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới với khoảng 120 người sinh hoạt. Câu lạc bộ duy trì các hoạt động, chia sẻ các kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS. Đây cũng là đầu mối vận động các ban ngành, các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh tế và tinh thần cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, góp phần xóa bỏ kì thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS.

Tại 12 cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh hiện đang điều trị ARV cho 2.923, chiếm 85,07% tổng số người nhiễm HIV đang còn sống quản lý được; trong đó: 101 trẻ em, 2.822 người lớn. Bác sĩ Vũ Hải Hùng, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Với những bệnh nhân phát hiện sớm, điều trị sớm thì sức khỏe ổn định. Còn với những bệnh nhân không tuân thủ quá trình điều trị rất dễ bị kháng thuốc, phải tăng phác đồ điều trị lên bậc 2, rất khó điều trị và tốn kém. Qua theo dõi thời gian qua, hầu hết các bệnh nhân đều tuân thủ tốt việc điều trị ARV, chỉ có chưa đến 5% bệnh nhân chưa uống thuốc đều. Với những bệnh nhân tuân thủ tốt, tình hình sức khỏe của họ hiện nay ổn định như người bình thường, không có các bệnh kèm theo”.

Cùng với đó, hiện có 8/12 cơ sở điều trị HIV/AIDS cung cấp thuốc ARV thông qua nguồn BHYT; 2.816 bệnh nhân ARV sử dụng thẻ BHYT khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Quỹ BHYT thanh toán các chi phí khám chữa bệnh, xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội, giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo được điều trị thuốc ARV. Anh H.V.Q. phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ hiện đang theo dõi và điều trị tại Phòng khám ARV (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Phát hiện nhiễm HIV từ năm 2010 nhưng nhờ tuân thủ việc điều trị theo các phác đồ bác sĩ đưa ra, hiện nay anh vẫn khỏe mạnh, vẫn lao động và mang về thu nhập cho gia đình.

Tuy vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Bác sĩ Vũ Hải Hùng cho biết thêm: “Tình hình ma túy và HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn diễn biến rất phức tạp, dịch HIV đã lan ra các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đa số bệnh nhân điều trị ARV lại đi làm ăn xa không về lĩnh thuốc định kỳ. Trong khi thực hiện việc cấp thuốc ARV qua nguồn BHYT quy định không được lĩnh thuốc hộ nên bệnh nhân điều trị ARV bỏ điều trị khá nhiều. Không chỉ vậy, nhiều bệnh nhân vẫn chưa thực sự quý trọng sức khỏe của bản thân, vẫn sử dụng bia, rượu và các chất kích thích ảnh hưởng nhiều tới quá trình điều trị…”.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phong-chong-hiv/197454/no-luc-phong-chong-hivaids