Nỗ lực phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An quản lý địa bàn 3 xã vùng biển thuộc thị xã Hoàng Mai. Không chỉ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, những người lính Đồn Biên phòng Quỳnh Phương còn là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Tranh thủ những ngày nghỉ của ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển mới, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đến trực tiếp các phương tiện tàu cá để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các chủ tàu và ngư dân về Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định khi khai thác thủy, hải sản trên biển. Ngư dân Phan Văn Mạnh, ở khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, chủ tàu cá NA 99299 TS, người đã gắn bó với nghề biển 20 năm nay cho biết, các hoạt động này của BĐBP là rất thiết thực, giúp ngư dân thực hiện đúng các quy định của Nhà nước khi làm nghề trên biển.
Ngoài trực tiếp đến các phương tiện tàu thuyền neo đậu tại cảng cá, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương còn đến nhà của các chủ tàu trên địa bàn để tuyên truyền khi họ không có mặt tại các phương tiện. Cùng với phát tờ rơi, phổ biến các quy định khi ra khơi hoạt động khai thác, quy định khi hành nghề trên biển và khi tàu cập bến, cán bộ, chiến sĩ còn tổ chức cho các chủ tàu ký cam kết đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ và trang bị các thiết bị an toàn hàng hải, đầy đủ các loại giấy tờ đối với người và phương tiện khi tham gia hoạt động trên biển theo quy định.
Thiếu tá Đặng Xuân Quang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quỳnh Phương cho biết: “Để tuyên truyền cho ngư dân chấp hành quy định khi khai thác thủy hải sản trên biển, ngoài duy trì lực lượng thường xuyên trực ở trạm, chúng tôi còn thành lập các tổ tuyên truyền lưu động trực tiếp đến các phương tiện để tuyên truyền cho các chủ tàu và ngư dân các quy định cần thực hiện khi khai thác thủy hải sản trên biển.
Trọng tâm là các nội dung chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chúng tôi đã linh hoạt trong tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, như phát tờ rơi, tuyên truyền qua các cuộc hội nghị, trực tiếp trên các tàu thuyền, cảng cá, tổ chức tiếp cận tàu cá đánh bắt hải sản trên biển. Vận động bà con thường xuyên giữ liên lạc với lực lượng chức năng trong điều kiện thời tiết phức tạp”…
Trên địa bàn Đồn Biên phòng Quỳnh Phương quản lý có khoảng 1.100 phương tiện hoạt động nghề biển, trong đó, có 450 phương tiện đánh bắt xa bờ. Để chủ phương tiện và ngư dân chấp hành pháp luật về khai thác thủy sản và các quy định khi hành nghề trên biển, ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về khai thác thủy sản trên địa bàn, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy hải sản, khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, không vi phạm các vùng biển của các nước để đánh bắt trái phép.
Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan nắm chắc tình hình hoạt động của tàu cá trên vùng biển đơn vị quản lý; tuyên truyền cho các phương tiện thu mua hải sản phải có nguồn gốc và nhật ký khai thác rõ ràng; kiên quyết không thu mua sản phẩm khai thác bất hợp pháp. Đồng thời, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng khi phát hiện các tàu cá có sản phẩm khai thác bất hợp pháp để xử lý theo quy định của pháp luật. Qua đó, giúp bà con ngư dân hiểu biết hơn, từ đó vươn khơi an toàn.
Trong đợt cao điểm ra quân phòng chống khai thác IUU, từ tháng 1 đến tháng 3/2023, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã phối hợp với chính quyền các địa phương và các ngành chức năng tăng cường hoạt động tuyên truyền, kiểm tra các tàu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ. Hoạt động này góp phần thay đổi nhận thức về khai thác hải sản của ngư dân, góp phần từng bước tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với ngành khai thác thủy sản của Việt Nam.