Nỗ lực phòng ngừa và loại bỏ bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút dại gây ra. Người đã phát bệnh dại hầu hết sẽ tử vong. Từ năm 2019 đến nay, Lào Cai có 5 trường hợp tử vong do bệnh dại được cơ quan chức năng ghi nhận.

Nguyên nhân mắc bệnh dại do lây truyền vi-rút dại từ chó, mèo qua vết cắn, vết cào, liếm lên da bị tổn thương. Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (chiếm 95 - 97%), sau đó là mèo. Bệnh dại là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin kịp thời, đúng và đầy đủ.

Như trường hợp của bà Lê Thị Hương (phường Cốc Lếu), bị chó của hàng xóm cắn hồi tháng 3/2022. Ban đầu, bà hoang mang, lo sợ vì vết cắn khá sâu, chảy nhiều máu. Ý thức được bệnh dại rất nguy hiểm, bà liền thực hiện sơ cứu, rửa vết thương với nước muối sinh lý và xà phòng diệt khuẩn, sau đó đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Đến nay, sức khỏe của bà đã tốt, không còn nỗi lo mắc bệnh dại.

Người dân chủ động đi tiêm vắc-xin khi bị chó cắn.

Người dân chủ động đi tiêm vắc-xin khi bị chó cắn.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 544 người bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Trong chương trình giám sát chủ động đối với bệnh dại năm 2022 đã phát hiện 22/10 mẫu đầu chó có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút dại (tại huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai).

Cùng với công tác phòng, chống bệnh dại ở người thì việc phòng, chống bệnh dại ở động vật cũng đã được triển khai đồng bộ ở các địa phương. Hơn 57.000 liều vắc-xin dại đã được tiêm ở động vật. Ông Nguyễn Văn Chất, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Bảo Thắng cho biết: Những năm gần đây xảy ra nhiều trường hợp chó dại cắn người, có trường hợp gây chết người nên bà con đã ý thức hơn. Hiện nay, mỗi đợt tiêm phòng dại động vật được triển khai tại xã, thị trấn thì người dân đều chấp hành tốt. Để bảo đảm công tác tiêm phòng đúng tiến độ, cán bộ thú y cơ sở phải đi tiêm từ sáng sớm hoặc tối muộn khi người dân ở nhà. Đến nay, tỷ lệ tiêm trên địa bàn đạt hơn 90% kế hoạch kỳ I và trạm sẽ tổ chức tiêm vét số lượng chó phát sinh và số chó còn sót trong các đợt tiêm.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đến hết tháng 6, toàn tỉnh đã tiêm 58.100 liều vắc-xin dại, đạt 71% kế hoạch năm (ước đạt 65% tổng đàn chó nuôi, bao gồm cả số chó đã tiêm phòng năm 2021 vẫn còn miễn dịch). Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo còn gặp một số khó khăn. Đặc biệt, tại các địa phương vùng cao, tỷ lệ tiêm phòng vẫn thấp hơn nhiều so với tổng đàn.

Cán bộ thú y huyện Si Ma Cai tuyên truyền về bệnh dại cho người dân tại các chợ phiên.

Cán bộ thú y huyện Si Ma Cai tuyên truyền về bệnh dại cho người dân tại các chợ phiên.

Ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) cho biết: Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh nên còn chủ quan. Nhiều hộ chưa chủ động tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó của gia đình và vẫn còn hiện tượng khi chó nghi mắc bệnh dại, người dân không báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương mà tự giết chó, mổ thịt ăn và khi người có biểu hiện bệnh dại mới báo cho cơ quan thú y, y tế…

Kiểm soát bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng là mục tiêu tỉnh Lào Cai hướng đến khi triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030.

Theo đó, mục tiêu đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật là quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025; hơn 90% trong giai đoạn 2026 - 2030. Phấn đấu tiêm vắc-xin dại cho 75% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025 và 85% trong giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng thành công 2 vùng an toàn dịch bệnh dại tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa; duy trì 100% các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh dại.

Đối với phòng, chống bệnh dại ở người, mục tiêu là đảm bảo 100% các huyện, thị, thành phố có điểm tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại. Đến năm 2025, không còn huyện, thị xã, thành phố có nguy cơ cao về bệnh dại trên người.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm và yêu cầu sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn và người dân trong quản lý đàn chó, mèo trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo hoặc không tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật. Chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã.

Cùng với đó, triển khai tiêm phòng vắc-xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trong địa bàn cấp xã. Chó, mèo đã tiêm vắc-xin dại nên được đánh dấu bằng vòng đeo cổ để nhận diện. Hằng năm, ưu tiên tiêm vào trước thời điểm nắng nóng, trước mùa hè. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm, có nguy cơ nhiễm với bệnh dại nhưng chưa được tiêm vắc-xin dại phải được điều trị dự phòng. Tăng cường thực hiện giám sát bệnh dại trên động vật và trên người. Điều tra, xử lý dịch bệnh dại trên động vật và người bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y và y tế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358552-no-luc-phong-ngua-va-loai-bo-benh-dai