Nỗ lực phục hồi các đoạn kênh, rạch đã mất

Thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới sông rạch dày đặc với tổng chiều dài khoảng 900 km. Tình trạng san lấp kênh rạch để xây nhà trái phép diễn ra trong một thời gian dài và vẫn tái diễn. Nhà nhà đua nhau đóng cọc, đổ đất để cơi nới diện tích đất ven kênh làm nơi ở, kinh doanh, bất chấp nguy cơ sạt lở cao, làm thu hẹp dòng chảy. Ðến khu Ðồng Diều (phường 4, quận 8), rất khó tìm được rạch Bà Ðen. Ðây là con rạch đấu nối từ rạch Sông Xáng vào cụm dân cư đường Cao Lỗ.

Tại xã Long Thới (huyện Nhà Bè), hỏi người dân về con rạch đã lặng lẽ mất tích, cả xóm ai cũng tranh nhau kể. Người chỉ con rạch Thới cạnh chợ Bà Chồi biến mất hơn 10 năm, người nói con rạch thoát nước sau bưu cục, khu dân cư Nguyễn Văn Tạo đã không còn… Ở quận Bình Tân, con rạch Bà Tiếng nằm trên đường Hồ Học Lãm từng một thời chằng chịt những con rạch nhỏ cắt ngang, nay rạch nhỏ chết, rạch chính thu hẹp đến hơn một nửa. Mỗi đợt triều cường hoặc mưa lớn thì trên ứng dụng cảnh báo ngập của đơn vị chống ngập luôn báo động ngay vị trí này. Ngoài những con rạch biến mất, hiện còn rất nhiều con rạch đang dần bị bức tử. Rạch Bà Láng (quận Bình Thạnh) bị thu hẹp một nửa và nhiều năm UBND quận vẫn chưa cưỡng chế; rạch Ba Tuy (quận Gò Vấp) bị nhà dân xây trên bờ rạch; rạch Tam Ðệ, rạch Cây Me (quận 7) đang bị xóa sổ… Tại quận Thủ Ðức, đến hôm nay những nỗ lực khôi phục lại rạch Cầu Dừa của cư dân hẻm 55 đường Cây Keo (phường Tam Phú) vẫn chưa có hồi kết.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhìn nhận, dù thành phố đã rất quyết liệt trong việc xử lý ô nhiễm, lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn, nhưng tình trạng lấn chiếm, bức tử kênh rạch vẫn phức tạp. UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 40/2019/QÐ-UBND về phân cấp cho các sở và UBND quận, huyện trong việc quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố. Quyết định này thay thế cho quyết định năm 2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Theo đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch đi qua địa giới hành chính từ hai quận, huyện trở lên. UBND các quận, huyện trực tiếp quản lý, khai thác các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng thoát nước ở địa phương. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà ở, công trình sai phép, không phép trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn sông, kênh, rạch. UBND các quận, huyện có trách nhiệm thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định liên quan đến sông, kênh, rạch và các công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý, khai thác.

Năm 2019, thêm một đoạn kênh Hàng Bàng (quận 5 và quận 6) được khôi phục nguyên trạng sau một thời gian dài bị lấn chiếm, lắp cống hộp. Một "chương mới" cho công tác chỉnh trang đô thị, chống ngập, cải thiện môi trường theo hướng gần với tự nhiên như được tìm ra. Giai đoạn 1, kênh Hàng Bàng chỉ phục hồi được đoạn đầu và đoạn cuối kênh. Tuy vậy, chỉ với hơn 370 m phục hồi cũng đã đem lại niềm vui trong cuộc sống của người dân ở hai bên kênh. Việc phục hồi kênh Hàng Bàng tốn khoảng 3.700 tỷ đồng, trong đó dự án hồi phục giai đoạn 1 là gần 800 tỷ đồng; giai đoạn 2 và 3 gần 2.900 tỷ đồng đền bù giải tỏa hơn 700 hộ dân và phải phục hồi dự án mất rất nhiều năm. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho hay, quận cũng đang có kế hoạch hồi sinh gần 10 kênh, rạch trên địa bàn, trong đó trọng điểm là hai tuyến rạch: Ông Búp - liên xã và rạch Bà Tiếng. Cũng theo ông Nhựt, nếu hồi sinh được hai con rạch này sẽ giúp giảm ngập đáng kể trên địa bàn, vì đây là những tuyến rạch thoát nước quan trọng. Theo đó, các dự án này không chỉ tiến hành giải tỏa nhà ven kênh mà còn kết hợp làm đường giao thông, trồng cây xanh tạo cảnh quan. Hiện, các dự án đang được lên phương án bồi thường và triển khai hoàn tất trong giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ khảo sát đánh giá chức năng từng con kênh, rạch và sẽ trả lời câu hỏi kênh nào có thể lấp, kênh rạch nào phải được giữ? Nhưng quan điểm chung của thành phố là phải tận dụng diện tích mặt nước. PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Ðô thị học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), khẳng định: "Nếu thành phố cải tạo mở rộng năm tuyến kênh chính, xuyên tâm và 22 rạch nhánh, đây là hướng thoát nước tự nhiên rất tốt. Quá trình phát triển đô thị và biến đổi khí hậu không có thành phố nào không bị ngập nhưng nếu cải tạo, chỉnh trang theo hướng thoát nước tự nhiên qua hệ thống sông, rạch thì thời gian ngập tại thành phố sẽ giảm đáng kể".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/43379102-no-luc-phuc-hoi-cac-doan-kenh-rach-da-mat.html