Nỗ lực phục hồi xuất khẩu lao động
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều đơn hàng tuyển dụng, các đợt xuất cảnh lao động bị đình trệ đã làm công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi công tác XKLĐ.
Thị trường xuất khẩu lao động “đóng băng”
Thi đậu kỳ thi tiếng Hàn, thi đậu đơn hàng tuyển dụng đi làm trong lĩnh vực công nghiệp của doanh nghiệp Hàn Quốc, nộp hơn 250 triệu đồng tiền ký quỹ… nhưng do ảnh hưởng của COVID-19 nên mặc dù phải chờ đợi gần 9 tháng trời, đến nay vợ chồng anh Lê Hoài Duy ở tại Khu phố 1, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vẫn chưa biết lúc nào có thể xuất cảnh được. Trao đổi với chúng tôi, anh Duy cho biết, để đủ điều kiện xuất cảnh, anh đã phải vay mượn với lãi suất cao, từ 12 - 15% để nộp tiền ký quỹ. Tiền thì đã nộp, các thủ tục đã hoàn thành đầy đủ nhưng chờ mãi vẫn không xuất cảnh được trong khi tiền lãi hằng tháng vẫn phải trả. “Trong thời gian chờ xuất cảnh, vợ chồng tôi đành phải xin vào làm thời vụ cho các lò cá hấp tại địa phương để đảm bảo cuộc sống. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục như thế này thì không biết phải chờ đến khi nào”, anh Duy chia sẻ.
Thị trấn Cửa Việt là địa phương có số người tham gia XKLĐ nhiều nhất tỉnh với hơn 765 người đang lao động ở nước ngoài. Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2019 đã có hơn 170 lao động xuất cảnh sang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thị trấn mới chỉ có 11 lao động xuất cảnh. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho hay, toàn thị trấn hiện có khoảng 60 - 70 lao động đã hoàn thành các thủ tục như thi đậu kỳ thi EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc), có doanh nghiệp tiếp nhận, có visa, thậm chí đã có lịch bay cụ thể nhưng buộc phải ngừng lại chờ dịch bệnh được kiểm soát. Không chỉ không xuất cảnh được mà đối với những lao động hiện đang làm việc ở nước ngoài theo họ chia sẻ thì công việc cũng thất thường, ảnh hưởng lớn đến thu nhập.
Tình hình giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài của Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị cũng có nhiều biến động do COVID-19. Nếu như trong giai đoạn từ 2017 - 2019 đã có 955 lao động xuất cảnh thì từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của COVID-19 chỉ mới có 35 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Hiện nay trung tâm đang tồn đọng 150 lao động đã có hợp đồng lao động tại Hàn Quốc nhưng chưa xuất cảnh được; hơn 500 lao động đã hoàn thành hồ sơ, đang chờ chủ sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng. Ngoài ra còn có 60 hồ sơ của thị trường Nhật Bản và các nước khác cũng bị chững lại, ngừng đào tạo tập trung và không làm các thủ tục xuất cảnh được. Theo Phó Trưởng Phòng Thông tin thị trường lao động và Giới thiệu việc làm (TTTTLĐ>VL) Nguyễn Ngọc Hà, không chỉ không xuất cảnh được mà tỉ lệ người lao động xin tạm ngưng XKLĐ cũng khá lớn do COVID-19 tại các nước chưa được kiểm soát đã làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, thời gian học tập, chờ đợi và tài chính của người lao động. Một số lao động đã phỏng vấn đạt nhưng vẫn xin tạm ngừng không hoàn thành tài chính; một số đã có đơn hàng, đã hoàn thành tài chính nhưng chủ sử dụng lao động hủy tiếp nhận do doanh nghiệp phá sản hoặc hạn chế tiếp nhận lao động; thời gian tiếp nhận của các nước chưa có lịch cụ thể…
Tình trạng XKLĐ bị đình trệ kéo dài khiến nhiều lao động đang chờ xuất cảnh đứng ngồi không yên bởi họ đã phải vay mượn số tiền lớn. Thời điểm xuất cảnh càng bị lùi lại đồng nghĩa người lao động chưa thể có thu nhập để trả nợ mặc dù việc tạm dừng là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho họ trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Nỗ lực khắc phục
Phó Trưởng Phòng TTTTLĐ>VL Nguyễn Ngọc Hà cho biết, để hỗ trợ người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đã tập trung tìm kiếm các đối tác mới, có chất lượng trong lĩnh vực XKLĐ; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dự nguồn lao động để cung ứng, giới thiệu XKLĐ. Tăng cường trao đổi với từng người lao động cụ thể để ổn định tâm lý cho họ; tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp XKLĐ để hỗ trợ về quy trình, thủ tục cho người lao động; đặc biệt là các lao động đã trúng tuyển qua các kỳ thi tiếng Hàn và đang làm hồ sơ xuất cảnh đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS. “Trong các thời điểm COVID-19 được kiểm soát, trung tâm đã tăng cường công tác thông tin; phân công cán bộ trực tiếp đến từng thôn, bản để gặp gỡ, tư vấn cho người lao động. Qua đó đã tư vấn dự nguồn 120 lao động tham gia XKLĐ ở các thị trường Nhật Bản và Đài Loan; tuyển sinh, tổ chức 1 lớp đào tạo tiếng Nhật cho 31 lao động để dự nguồn tham gia XKLĐ tại thị trường Nhật Bản; tổ chức đào tạo tiếng Hàn cho 12 lao động để dự nguồn đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới”, bà Hà cho biết thêm.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Dương Thị Hải Yến cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của COVID-19, các hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh hầu như bị “đóng băng” hoàn toàn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các đơn vị XKLĐ, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và các địa phương, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động thúc đẩy XKLĐ đã được “kích hoạt” trở lại. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.034 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 94% kế hoạch; tập trung chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Hiện tại Sở LĐ-TB&XH đang chỉ đạo các đơn vị XKLĐ tăng cường kết nối với đối tác ở các nước trong việc sơ tuyển, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với thực tế; xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, linh hoạt… Về kế hoạch trong năm 2021, theo bà Yến, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đối với người lao động; kêu gọi các đơn vị XKLĐ có uy tín, có những đơn hàng có thu nhập cao, có việc làm an toàn trong mùa dịch như chế biến thực phẩm, linh kiện điện tử… Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về XKLĐ trong thời điểm dịch bệnh nhằm hạn chế những hành vi lừa đảo, tiêu cực. Đồng thời, đề nghị các đơn vị XKLĐ tiếp tục mở các lớp đào tạo dự nguồn về ngoại ngữ, nghề nghiệp… để chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Về phía người lao động, bà Yến đề nghị trong thời gian chờ đợi cần củng cố thêm kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, các kiến thức về phòng, chống dịch… để sẵn sàng tham gia ngay vào thị trường lao động quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát và các thị trường mở rộng.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153931