Nỗ lực quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng Libya
Theo Reuters và TTXVN, ngày 18-2, Liên minh châu Phi (AU) thành lập lực lượng chuyên trách vấn đề Libya nhằm hỗ trợ việc thực thi quyết định của các quốc gia khu vực đối với tình hình tại quốc gia Bắc Phi.
Ủy viên cấp cao AU về hòa bình, an ninh S.Chergui cho biết, lực lượng chuyên trách, bao gồm các đơn vị khác nhau của Ủy ban AU, sẽ phối hợp với Liên hợp quốc (LHQ) theo dõi diễn biến mới nhất tại Libya, nhất là những đàm phán chung quanh lệnh ngừng bắn, chuẩn bị cho sự tham gia của AU trong các tiểu ban khác nhau theo thông cáo đưa ra tại Hội nghị Berlin (Ðức) để chuẩn bị cho đối thoại hòa giải ở Libya.
* Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được LHQ công nhận ở Libya thông báo đình chỉ tham gia đàm phán ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) sau khi Lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) tiến công cảng biển ở thủ đô Tripoli ngày 18-2. Theo GNA, đàm phán vô nghĩa nếu không có một lệnh ngừng bắn lâu dài cho phép những người tha hương trở về nhà cũng như bảo đảm an ninh cho thủ đô và các thành phố khác.
* Trước đó, Phái bộ hỗ trợ của LHQ ở Libya (UNSMIL) thông báo nối lại cuộc đàm phán của Ủy ban quân sự chung Libya ở Geneva. Quyết định này được đưa ra trên cơ sở Nghị quyết 2510 của Hội đồng Bảo an LHQ. Ủy ban quân sự chung Libya là một trong ba lộ trình giữa các phe phái Libya đang được UNSMIL triển khai, cùng các lộ trình kinh tế và chính trị.
* Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã công bố Kế hoạch ứng phó nhân đạo (HRP) năm 2020 tại Libya, với khoản kinh phí lên đến 115 triệu USD. Thủ tướng GNA Ph.Xi-rai cam kết cung cấp 10 triệu USD cho kế hoạch này.
* Người đứng đầu phái bộ Liên hiệp châu Âu (EU) tại Libya kêu gọi các bên liên quan chấm dứt tình trạng bạo lực đang diễn ra ở nước này. Tình trạng vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đã khiến Libya trở thành “kho dự trữ đạn dược không kiểm soát lớn nhất thế giới”. Ước tính, hiện có 150 nghìn đến 200 nghìn tấn đạn dược không được kiểm soát trên khắp Libya.
* Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho biết, ngày 18-2, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã giải cứu hơn 300 người di cư trái phép trên vùng biển nước này, đưa tổng số người di cư được giải cứu từ đầu năm 2020 trên vùng biển Libya lên hơn 1.500 người. Hiện có khoảng 650 nghìn người di cư trái phép đang lưu lạc tại Libya và nhiều người phải sống trong cảnh thiếu thốn nghiêm trọng.