Nỗ lực tái thiết một nghề cá bền vững
Ngày 28-2, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp (IUU) và khắc phục 'thẻ vàng' thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).
Hội nghị có sự tham dự của các đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng đại diện, lãnh đạo UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngày 23-10-2017, EC bắt đầu rút “thẻ vàng” cảnh báo ngành thủy sản Việt Nam. Hơn 2 năm triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm khắc phục thẻ phạt của EC và chống đánh bắt IUU, ngành thủy sản cả nước đã khởi sắc rất nhiều, từng bước chuyển mình để hiện đại hóa, minh bạch.
Đến nay, tình trạng đánh bắt trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài tuy đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại ở một số địa phương. Việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực thủy sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài còn hạn chế, việc áp dụng hình thức xử lý đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa thống nhất giữa các địa phương…
Đại diện các tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Quảng Ngãi, Phú Yên lần lượt chia sẻ những mặt đạt được, những khó khăn và tồn tại mà các địa phương đang bị vướng. Ý kiến của các địa phương tập trung vào những thách thức, như: đa số các tàu cá vi phạm đều trốn ở các cảng cá ngoài địa phương, không chịu về nên rất khó kiểm soát, xử lý; việc bắt và xử lý các tàu cá vi phạm phía công an vẫn chưa có cơ sở, bằng chứng từ nước ngoài để xử lý, xử phạt; có tình trạng các chủ tàu thông đồng, ra thủ đoạn gửi thiết bị giám sát hành trình cho các tàu khác, hoặc tắt thiết bị rồi vượt biên đánh bắt trái phép; có tình trạng “mồi chài”, “chèo kéo, môi giới” vượt biên đánh bắt trái phép; việc quản lý các tàu mới chỉ ở mức tại đất liền, còn trên biển chưa phát huy được sức mạnh của Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương phải nhận thức đúng, điều luật của IUU chỉ nhằm mục tiêu chung là bảo vệ sự bền vững hệ sinh thái đại dương về thủy sản. Điều luật này đã được áp dụng trong 28 nước, không chỉ riêng Việt Nam và áp dụng cho cả các nước đang có hoạt động kinh tế hải sản với châu Âu. Việt Nam ta tự hào có một ngành thủy sản phát triển nhanh, đội tàu cá lên đến 100.000 chiếc (2.600 chiếc trên 24m, 33.000 chiếc dưới 24m đánh bắt xa bờ), hàng triệu lao động nghề biển, khai thác hơn 3 triệu tấn hải sản/năm và xuất khẩu hải sản hơn 3 tỷ USD/năm.
Dù vậy, ngành thủy sản chúng ta vẫn chưa phát triển bền vững, dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, các hoạt động chế biến, liên kết chuỗi chưa đồng bộ. “Bây giờ là thời khắc quyết định, nếu chúng ta bị EC rút “thẻ đỏ” thì coi như thủy sản triệt đường (hiện có 23 nước bị EC rút thẻ đỏ thủy sản). Chúng ta không chấp nhận một nghề cá tự phát dù không có IUU. Ta phải nỗ lực kiến tạo, thái thiết một nghề cá có trách nhiệm, có quản trị và bền vững…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành chức năng và 28 tỉnh thành ven biển phải nhanh chóng khắc phục các tồn tại, sẵn sàng đón Đoàn Thanh tra EC đến kiểm tra vào tháng 5-2020. Bộ trưởng ghi nhận các kiến nghị của từng địa phương trong đó có việc đầu tư thiết chế hạ tầng nghề cá, khu neo đậu, cảng biển… Dự kiến đến tháng 3-2020, Bộ NN-PTNT sẽ tập hợp các kiến nghị của địa phương để có đề xuất cụ thể lên Chính phủ.
Ông cũng yêu cầu các địa phương quy hoạch lại nghề cá, tăng giá trị khai thác, đánh bắt. Bên cạnh đó, tăng nuôi trồng hải sản ở biển xa và phải có quy hoạch, nuôi các loài ngoài cá như rong, tảo… Tái cơ cấu ngành, có chiến lược chuyển đổi lao động sang ngành khác phù hợp với xu hướng chuyển đổi ngành kinh tế, để giảm tải cho nghề cá…
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/no-luc-tai-thiet-mot-nghe-ca-ben-vung-648256.html