Nỗ lực tăng trưởng nguồn vốn huy động
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, các kênh đầu tư khác dễ gặp rủi ro thì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng vẫn hấp dẫn người dân, dù lãi suất huy động thời điểm này ở mức thấp trong những năm gần đây.
Người dân đến giao dịch gửi tiền tại Agribank Ngọc Lặc.
Nhiều tháng nay, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng nhiều lần điều chỉnh giảm sâu. Theo quy luật thì lãi suất giảm sẽ khiến người dân không mặn mà với kênh tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền gửi ở nhóm khách hàng cá nhân vào các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khá cao. Có nhiều nguyên nhân tác động đến tăng trưởng huy động vốn ngân hàng, như: thị trường bất động sản trầm lắng, tình hình kinh tế khó khăn nên người dân, doanh nghiệp không đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh... Điều này góp phần thúc đẩy dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư dịch chuyển vào kênh huy động ngân hàng... Từng đầu tư vào một số lĩnh vực với mong muốn có thể sinh lời, nhưng không được như kỳ vọng, chị Phạm Thị Đức, xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn) quyết định gửi toàn bộ số tiền tích lũy của gia đình mình vào ngân hàng, chị Đức cho biết: “Bây giờ các kênh như bất động sản, chứng khoán đang trầm lắng, bởi vậy tôi nghĩ gửi ngân hàng sẽ là giải pháp an toàn, hơn nữa mình có thể chủ động rút tiền lúc nào cũng được”.
Để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong Nhân dân, Agribank Chi nhánh Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nội dung, tiện ích các sản phẩm huy động tiền gửi; giao chỉ tiêu huy động vốn cho các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc. Vận động khách hàng mở tài khoản thanh toán, sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán, thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp trong giao dịch với khách hàng, tạo niềm tin gắn bó, đồng hành lâu dài. Việc huy động vốn tại địa phương cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn, điều chỉnh lãi suất linh hoạt theo đúng quy định, giới thiệu sản phẩm dịch vụ tiền gửi với nhiều tiện ích cho khách hàng...
Được biết, 10 tháng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng được các ngân hàng niêm yết từ 3,4% - 4,45%/năm; trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được áp dụng 5,1% - 6,2%/năm... Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, hướng đến từng đối tượng khách hàng với các khoản tiết kiệm từ giá trị thấp đến giá trị cao để khách hàng lựa chọn; khách hàng có thể gửi tiết kiệm bằng nhiều kênh, như: gửi trực tiếp tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng, gửi tiền trực tuyến, tại máy ATM hay thông qua các tổ chức có liên kết với ngân hàng... Nhờ vậy, mặc dù lãi suất huy động giảm nhưng thời điểm này, tăng trưởng huy động vốn đang cao hơn tăng trưởng tín dụng. Tính đến đầu tháng 11/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 161.702 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm chiếm khoảng 71%/tổng nguồn vốn huy động, tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 27,3%, phát hành giấy tờ có giá chiếm 1,7% tổng nguồn vốn huy động; nguồn vốn huy động bằng VND chiếm 98,5%.
Nguồn vốn huy động tăng trưởng cao giúp các ngân hàng có các nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến cùng thời điểm, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 187.247 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 54%, dư nợ trung, dài hạn chiếm 46% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng bảo đảm, dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển. Các chương trình tín dụng đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai tích cực.
Để bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện hình ảnh, xây dựng thương hiệu ngân hàng để tạo niềm tin, gia tăng nguồn huy động từ khách hàng. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin rộng rãi về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và các hình thức, chính sách huy động vốn, thu hút tiền gửi đến người dân để tăng huy động vốn từ dân cư. Phát triển mạng lưới hoạt động đến khu vực nông thôn phù hợp với nhu cầu kinh tế tại địa phương và định hướng kinh doanh của từng tổ chức tín dụng; đa dạng sản phẩm huy động nhằm tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Đồng thời, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và thanh toán của nền kinh tế. Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân. Rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm đúng quy định...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/no-luc-tang-truong-nguon-von-huy-dong/199448.htm