Nỗ lực tạo việc làm cho lao động nông thôn
Nhằm giải quyết nhu cầu việc làm và tăng thu nhập cho các hội viên, phụ nữ tại địa phương, chị Trần Thị Mỹ Ngọc, thôn Đại Hào, xã Triệu Đại (huyện Triệu Phong) đã tiên phong đưa xưởng may công nghiệp về làng, tạo việc làm ổn định cho hơn 40 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3- 6 triệu đồng/người/tháng.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Ngọc trải lòng, chị vốn là công nhân của Công ty May Hòa Thọ Đông Hà. Hơn 10 năm gắn bó với nghề may, chị Ngọc nhận thấy đây là một nghề tương đối phù hợp với nhiều chị em phụ nữ. Chỉ cần có sự chuyên cần, cẩn thận, mỗi phụ nữ có thể tìm được công việc có thu nhập ổn định để làm chủ cuộc sống. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng dễ dàng gắn bó lâu dài với các công ty may lớn tại khu công nghiệp bởi áp lực về thời gian làm việc cũng như trở ngại về đoạn đường di chuyển. Ấp ủ giấc mơ đưa nghề may công nghiệp về làng, vào một ngày đầu năm 2018, chị Ngọc quyết định bỏ giữa chừng vị trí việc làm tốt tại công ty may để về quê mở xưởng may gia công tại gia đình.
Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện qua kênh giải quyết việc làm cùng với số tiền vay mượn được từ người thân, bạn bè, ban đầu chị chỉ sắm được trên 10 máy may, giải quyết việc làm cho 12 chị em phụ nữ địa phương với mức tiền công bình quân từ 3- 4 triệu đồng/tháng. Nhận thấy nhu cầu việc làm của lao động nông thôn khá lớn, đến tháng 5/2019, với vốn kinh nghiệm về nghề may sẵn có, chị mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng quy mô xưởng may, thành lập Công ty May Đại Song Tiến với tổng vốn đầu tư trên 2 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 40 lao động là hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Triệu Đại và một số địa phương lân cận. Do tìm được đơn vị tiêu thụ sản phẩm may mặc ổn định nên các đơn hàng của công ty luôn đảm bảo, các lao động có việc làm thường xuyên với nguồn thu nhập ổn định.
Chị Ngọc cho biết: “Trong quá trình hoạt động, tôi luôn quan tâm đến việc chăm lo cho đời sống của công nhân, đảm bảo các quyền lợi đối với người lao động theo quy định của pháp luật như người lao động được tham gia đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ nghỉ ngơi luôn được công ty đảm bảo… Đặc biệt, công ty chúng tôi đã thành lập công đoàn cơ sở nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Tìm được việc làm ngay tại địa phương, có thêm nguồn thu nhập ổn định nên các công nhân rất phấn khởi, hăng hái lao động và sẵn sàng gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”.
Không chỉ là một phụ nữ năng động, tháo vát trong phát triển kinh tế, chị Ngọc còn là một hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào của hội phụ nữ tại địa phương. Để góp sức cùng địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chị Ngọc đã hăng hái tham gia và huy động trên 10 triệu đồng để làm tuyến đường hoa, xây dựng công trình thắp sáng đường quê tại địa phương; vận động gia đình, người thân hiến đất 700 m2 để làm đường trục liên xã… Chính những việc làm thiết thực của chị Ngọc và gia đình đã tạo sức lan tỏa lớn và sự đồng thuận cao trong nhân dân về tinh thần chung sức xây dựng nông thôn mới tại xã Triệu Đại.
“Ước mơ đưa xưởng may công nghiệp về làng của tôi bấy lâu nay đã thành hiện thực, tìm được việc làm ngay tại quê nhà, lại tạo cơ hội cho nhiều chị em phụ nữ khác có việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định là điều tôi thấy hạnh phúc nhất. Trên cơ sở nhu cầu việc làm của lao động tại địa phương và một số vùng lân cận, trong thời gian tới, tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô hoạt động của công ty, nâng số lao động thường xuyên lên khoảng 100 người”, chị Ngọc cho hay.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146198