Nỗ lực thâm nhập sâu rộng chuỗi cung ứng toàn cầu

Ấn Độ đang đứng trước cơ hội chuyển đổi để trở thành yếu tố chính trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có thể tạo ra hàng triệu việc làm, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động dư thừa từ nông nghiệp sang các hoạt động sản xuất hiện đại có năng suất cao hơn…

Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Với nguồn lao động giá rẻ dồi dào, Ấn Độ có lợi thế so sánh tự nhiên khi tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu liên kết ngược, nơi đầu vào nhập khẩu được sử dụng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Khái niệm về chuỗi giá trị toàn cầu liên kết ngược đề cập đến sự kết nối giữa một ngành công nghiệp hoặc doanh nghiệp với các nhà cung cấp của nó. Đây là quá trình mà các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp tạo ra nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ từ các nhà cung cấp, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành cung cấp này và tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, nếu một nhà máy sản xuất ô tô cần mua linh kiện từ các nhà cung cấp, sự kết nối ngược của nó sẽ bao gồm tất cả các hoạt động và ngành công nghiệp liên quan đến việc sản xuất và cung cấp các linh kiện đó, như là sản xuất thép, nhựa, thiết bị điện tử... Kết nối ngược thường giúp tạo ra cơ hội cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng, đồng thời có thể thúc đẩy giá trị gia tăng trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Thực tế, quy mô và nguồn lao động dồi dào của Ấn Độ khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia muốn giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Để tận dụng tiềm năng đó, Ấn Độ đã thực hiện các chính sách nhằm định vị mình là trung tâm lắp ráp chính cho hàng sản xuất xuất khẩu. Chìa khóa cho nỗ lực này là chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thương mại tự do, môi trường đầu tư thuận lợi, chi phí liên kết dịch vụ thấp, cũng như thị trường có nhiều yếu tố linh hoạt.

Trong thập kỷ qua, khuôn khổ chính sách thương mại của Ấn Độ thay đổi đáng kể để thu hút các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Các biện pháp đáng chú ý bao gồm chương trình khuyến khích liên kết sản xuất, cắt giảm thuế doanh nghiệp, đơn giản hóa luật lao động, cải cách thủ tục phá sản và hiệu chỉnh lại cơ cấu thuế nhập khẩu. Ngoài ra, Ấn Độ mở cửa nhiều lĩnh vực cho 100% FDI thông qua tuyến tự động và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Australia và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu. Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành với EU, Vương quốc Anh, Canada, Israel và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Ở Ấn Độ, FDI của một cá nhân hoặc một doanh nghiệp được quản lý thông qua tuyến tự động và tuyến Chính phủ. Theo tuyến tự động, cá nhân không thường trú hoặc doanh nghiệp Ấn Độ không cần bất kỳ sự chấp thuận nào từ Chính phủ Ấn Độ. Trong khi đó, theo tuyến Chính phủ, cần có sự phê duyệt từ Chính phủ trước khi đầu tư.

Chỉ số hạn chế quy định FDI của OECD phản ánh thay đổi trên, cho thấy mức độ hạn chế FDI của Ấn Độ đã giảm từ 0,33 vào năm 2010 xuống 0,21 vào năm 2020. Dòng vốn FDI chảy vào Ấn Độ cũng khá tốt, tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng vốn đầu tư cố định và GDP trong những năm gần đây.

Giải quyết các vấn đề về cấu trúc

Theo truyền thống, dòng vốn FDI đổ vào Ấn Độ chủ yếu là để tìm kiếm thị trường hơn là thúc đẩy xuất khẩu. Để thay đổi xu hướng này và tăng cường đóng góp của FDI vào tăng trưởng xuất khẩu thông qua hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu, nhiều nhà phân tích cho rằng, Ấn Độ cần giải quyết một số vấn đề về cấu trúc. Cơ cấu thuế nhập khẩu bị đảo ngược, trong đó thuế suất đối với sản phẩm cuối cùng thấp hơn thuế đối với linh kiện, khiến sản xuất trong nước không có sức cạnh tranh về mặt kinh tế. Vì vậy, ngân sách quốc gia gần đây đã cố gắng khắc phục điều đó bằng cách giảm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện thiết yếu, giúp mang lại nhiều kết quả đầy hứa hẹn, chẳng hạn như Ấn Độ đã chuyển từ quốc gia nhập khẩu ròng sang nước xuất khẩu ròng điện thoại di động.

Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất, được áp dụng trong một số lĩnh vực, giúp khắc phục hạn chế trong việc đạt được quy mô sản xuất và tích hợp các ngành công nghiệp của Ấn Độ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chương trình này cung cấp các ưu đãi dựa trên doanh số gia tăng trong khoảng thời gian quy định. Ấn Độ nhận thức rằng, các chính sách công nghiệp được thiết kế tốt là rất cần thiết, đặc biệt là đối với các lĩnh vực phải đối mặt với nhiều rủi ro thất bại trên thị trường mà nguyên nhân có thể phát sinh từ chi phí hậu cầu hay hạn chế về nhu cầu…

Tập trung vào lợi thế so sánh

Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu, chuyên môn hóa và liên kết với lợi thế so sánh được coi là yếu tố rất quan trọng. Các ước tính cho thấy, khoảng cách giữa Ấn Độ và Trung Quốc về thị phần xuất khẩu thế giới chủ yếu là do Ấn Độ thiếu chuyên môn hóa và quy mô. Ngược lại, Ấn Độ đã bắt kịp Trung Quốc về mặt đa dạng hóa các sản phẩm và thị trường.

Các cải cách kinh tế của Ấn Độ trong những năm 1990 và 2000 tập trung vào việc xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường sản phẩm. Tuy nhiên, việc xóa bỏ rào cản thị trường cho các doanh nghiệp và bảo đảm yếu tố linh hoạt cũng rất quan trọng, giúp Ấn Độ đạt được lợi ích từ chuyên môn hóa và mở rộng quy mô. Bởi sự cứng nhắc trong các khía cạnh này có thể cản trở việc phân bổ lại nguồn lực, cũng như quá trình chuyên môn hóa và hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Để giải quyết thách thức trên, một số bang của Ấn Độ đã khởi xướng nhiều cải cách thị trường lao động kể từ năm 2014. Đó là tăng ngưỡng quy mô cho Luật Giải quyết tranh chấp công nghiệp từ 100 lên 300 lao động, xác định lại ngưỡng quy mô cho các nhà máy và củng cố Luật Lao động hợp đồng. Các cải cách nhằm mục đích tạo ra thị trường lao động linh hoạt hơn, điều cần thiết để thúc đẩy sản xuất cần nhiều lao động.

Theo giới phân tích Ấn Độ, các cải cách trong tương lai cũng nên ưu tiên giải quyết tình trạng cứng nhắc của thị trường đất đai. Việc đơn giản hóa các quy trình thu hồi đất, làm rõ quyền sở hữu đất đai và thực hiện các chính sách sử dụng đất minh bạch là rất quan trọng để giảm rào cản gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện phân bổ nguồn lực hiệu quả. Khuyến khích hợp nhất đất đai và tạo thuận lợi cho các thỏa thuận cho thuê đất có thể mở ra tiềm năng chưa được khai thác cho phát triển nông nghiệp lẫn công nghiệp, thúc đẩy bối cảnh kinh tế năng động, cạnh tranh hơn.

Nói chung, tiềm năng của Ấn Độ trong việc hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất lớn phụ thuộc vào cải cách chính sách liên tục. Bằng cách giải quyết các vấn đề về cấu trúc như cơ cấu thuế quan bị đảo ngược, sự cứng nhắc của thị trường lao động, thị trường đất đai và tập trung vào các chính sách công nghiệp được thiết kế phù hợp, Ấn Độ có thể định vị mình là yếu tố chính trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngọc Minh (Theo EAF)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/no-luc-tham-nhap-sau-rong-chuoi-cung-ung-toan-cau-i383712/