Nhà đầu tư mong đợi khối ngoại trở lại mua ròng trong những tháng cuối năm

Theo các chuyên gia, việc bán ròng liên tục của khối ngoại đã tạo áp lực lớn lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến ngày 13/9/2024, tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 60.000 tỷ đồng. Dù bán ròng đã có sự suy giảm, các chuyên gia và nhà đầu tư trong nước vẫn kỳ vọng, trong những tháng cuối năm 2024, khối ngoại sẽ quay lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), tháng 8/2024 chứng kiến sự tham gia sôi nổi của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị giao dịch đạt 78.746 tỷ đồng, chiếm 10,86% toàn thị trường. Đáng chú ý, khối ngoại đã giảm mạnh mức bán ròng xuống còn 3.278 tỷ đồng, so với con số 8.229 tỷ đồng trong tháng 7.

Theo thống kê, tính đến ngày 13/9/2024, khối ngoại đã bán ròng giá trị khoảng 66.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trước đó, khối ngoại chỉ bán ròng 3,5 tỷ đồng trong năm 2023.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại đang chững lại, đặc biệt ở các quỹ ETF. Trong tháng 8, các quỹ ETF rút 2.140 tỷ đồng, đưa tổng số vốn rút từ đầu năm lên 20.550 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ Fubon tiếp tục rút 975 tỷ đồng, còn Xtrackers FTSE bất ngờ quay lại mua ròng 105 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các quỹ đầu tư chủ động cũng giảm tốc độ bán ròng, chỉ còn 1.300 tỷ đồng trong tháng 8, thấp hơn mức 1.400 tỷ đồng của tháng trước, nâng tổng rút vốn từ đầu năm lên 9.000 tỷ đồng.

Về triển vọng trong 3 tháng của quý IV, ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng phòng Cao cấp tại Trung tâm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất và đồng USD suy yếu, dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường tiềm năng như châu Á và các quốc gia cận biên, trong đó có Việt Nam.

Thông thường, khi chu kỳ giảm lãi suất bắt đầu, dòng vốn ngoại sẽ đổ vào các thị trường mới nổi, tạo đà tăng trưởng cho khu vực Đông Nam Á. Dù gần đây khối ngoại tiếp tục bán ròng tại Việt Nam, nhưng quy mô đã giảm đáng kể so với những tháng trước.

Đồng quan điểm, ông Phan Thành Nghiệp, Giám đốc Khách hàng Cao cấp tại Chi nhánh Hồ Chí Minh của Công ty Chứng khoán DNSE, chia sẻ, các thị trường mới nổi và cận biên đang kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách của FED, có thể xảy ra ngay trong tháng 9. Dòng vốn ETF đã bắt đầu chảy vào thị trường Đông Nam Á và lượng bán ròng của khối ngoại đang giảm mạnh. Điều này mở ra kỳ vọng áp lực bán sẽ tiếp tục hạ nhiệt, nhường chỗ cho giai đoạn tích cực hơn với sự quay lại của dòng vốn mua ròng.

Với nền tảng vững chắc, như tăng trưởng lợi nhuận ổn định và định giá hấp dẫn, TTCK Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn lớn. Kỳ vọng nâng hạng thị trường càng tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, dòng vốn ngoại sẽ sớm trở lại mua ròng và tạo động lực cho thị trường.

Tính đến sáng ngày 17/9 (giờ Việt Nam), ngành tài chính toàn cầu đang căng thẳng chờ đợi kết quả cuộc họp của FED diễn ra vào ngày 17-18/9 (giờ Mỹ). Đây có thể là lần đầu tiên FED giảm lãi suất kể từ năm 2020, nhưng mức cắt giảm vẫn còn gây tranh cãi.

Theo công cụ FEDWatch của CME Group, 63% nhà đầu tư dự đoán FED sẽ mạnh tay giảm 0,5 điểm %, tăng vọt từ mức 13% hồi tuần trước sau khi dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố. Dù vậy, phần lớn các chuyên gia vẫn nghiêng về việc FED sẽ cắt giảm nhẹ 0,25 điểm %.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nha-dau-tu-mong-doi-khoi-ngoai-tro-lai-mua-rong-trong-nhung-thang-cuoi-nam-159681.html