Nỗ lực 'thông đường' cho xuất nhập khẩu

Xuất siêu nhưng vẫn khó

Lấy công nghiệp làm ngành kinh tế chủ lực và xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, dẫn đến độ mở nền kinh tế của tỉnh khá cao (174%), do đó dễ bị tác động từ các biến động từ thị trường thế giới. Trong đó, đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường chính chiếm tỷ trọng đến 80% trị giá xuất khẩu hàng hóa của tỉnh là Mỹ (33%), EU (12%), Nhật Bản (10,6%), Hàn Quốc (9,4%), Đài Loan (7,7%), Hồng Kông (7,3%) đều sụt giảm mạnh. Tình hình XNK của Bình Dương trong quý I-2023 gặp nhiều khó khăn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh tiếp tục giảm nhu cầu do những ảnh hưởng từ lạm phát, xung đột Nga - Ucraine, nhu cầu tiêu dùng thấp...

Tuy vậy, theo Cục Thống kê tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3-2023 dù giảm so với cùng kỳ nhưng đã tăng hơn so với 2 tháng trước. DN FDI tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh. Cụ thể, tháng 3 xuất khẩu ước đạt trên 3.122 triệu USD, tăng 36,4% so với tháng trước và giảm 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 587,3 triệu USD, tăng 36,8% và giảm 8,9% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2.535,1 triệu USD, tăng 36,3%. Cán cân thương mại hàng hóa tỉnh Bình Dương trong 3 tháng đầu năm 2023 nghiêng về xuất siêu với 2.174,4 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 627,7 triệu USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 1.546,7 triệu USD.

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh, Cục Hải quan Bình Dương đang triển khai những giải pháp thiết thực, thuận lợi. Trong ảnh: Cán bộ hải quan triển khai công tác nghiệp vụ tại Cảng tổng hợp Bình Dương

Hiện DN ở hầu hết ngành hàng đều nhận định, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong quý II vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Về số lượng đơn hàng xuất khẩu mới, có 28% số DN dự báo có số đơn hàng xuất khẩu tăng so với quý I-2023; 38,3% số DN nhận định có số đơn hàng sản xuất ổn định như quý I-2023 và 33,1% số DN đánh giá số đơn hàng cho sản xuất, xuất khẩu của quý II-2023 tiếp tục giảm so với quý I-2023.

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý II và cả năm 2023, tỉnh đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp cùng với các nhà đầu tư, DN trong tỉnh tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hoạt động XNK, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thời gian qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng tổng hợp Bình Dương luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại để thông quan hàng hóa một cách nhanh nhất. Đặc biệt, việc làm thủ tục và giao nhận hàng tại cảng Bình Dương sẽ giúp các DN tiết kiệm được 400.000 - 500.000 đồng chi phí vận tải cho mỗi container. Thậm chí, nếu tính thêm khoản phí hạ tầng cảng biển mà TP.Hồ Chí Minh đang thu, số tiền tiết kiệm được cho mỗi container hàng lên tới 1 triệu đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng tổng hợp Bình Dương Huỳnh Anh Tuấn cho biết chi cục thường xuyên tổ chức gặp gỡ DN nhằm trao đổi, tháo gỡ vướng mắc cũng như nắm bắt thông tin hoạt động sản xuất và kế hoạch XNK của DN để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, đồng hành sát cánh cùng sự hồi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh của DN.

Bà Nguyễn Trúc Hương, Trưởng phòng XNK Công ty TNHH Công nghiệp De Licacy Việt Nam, cho biết là DN 100% vốn đầu tư Đài Loan chuyên về hoạt động sản xuất sợi, hiện nay trung bình mỗi tháng DN thực hiện khoảng 300 tờ khai XNK hàng hóa. Để thực hiện suôn sẻ số lượng tờ khai rất lớn này, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan tại Bình Dương.

Để thúc đẩy hoạt động XNK của các DN trong tỉnh, Cục Hải quan Bình Dương đang triển khai những giải pháp tạo thuận lợi cho DN thông qua việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi tối đa cho DN để rút ngắn thời gian và chi phí khi làm thủ tục thông quan. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết với đặc thù địa bàn quản lý chủ yếu là DN gia công, sản xuất xuất khẩu, để tạo thuận lợi cho DN, thời gian qua, Cục Hải quan Bình Dương đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trên cơ sở bám sát các kế hoạch của ngành hải quan. Đến nay, công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của cơ quan hải quan trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp và hiệu quả; tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; qua đó góp phần nâng cao niềm tin của DN vào chính sách, pháp luật thuế và công tác quản lý thuế.

Chia sẻ với những khó khăn của các DN xuất khẩu, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đang tập trung hỗ trợ DN đẩy mạnh thương mại điện tử, tiếp cận kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ DN chế biến gỗ tìm kiếm nguồn nguyên liệu gỗ trong nước. Đồng thời, Sở Công thương thường xuyên tổ chức làm việc với các hiệp hội trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình hoạt động của các DN và kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc.

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/no-luc-thong-duong-cho-xuat-nhap-khau-a294021.html