Nỗ lực thúc đẩy số hóa giáo dục của Nhật
Từ năm 2024, trường trung học quốc tế Yushi trên địa bàn Kumamoto bắt đầu triển khai chương trình học 3 năm qua vũ trụ ảo (metaverse) cho phép học sinh 'đến lớp' bằng kính thực tế ảo (VR). Các em làm quen qua nhân vật đại diện kèm biệt danh.
Đây là ví dụ độc đáo về lớp học kỹ thuật số tại Nhật Bản. Trường Yushi hưởng lợi từ loạt quy định của Bộ Giáo dục nước này với hình thức học từ xa và cơ sở giáo dục quốc tế.

Lớp học trên vũ trụ ảo của trường trung học quốc tế Yushi - Ảnh: Youtube/FPCJapan
Rộng hơn, chính phủ Nhật đặt mục tiêu biến sách giáo khoa số thành chuẩn mực kể từ năm học bắt đầu vào tháng 4.2030, bằng cách cho phép lớp học chuyển sang trực tuyến hoàn toàn.
Động thái trên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phe ủng hộ lập luận rằng dạy và học trực tuyến dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu từng học sinh cũng như với phương pháp học khuyến khích hợp tác nhóm. Không những vậy sách giáo khoa số có thể giúp ba lô mà học sinh phải mang nhẹ hơn (một cuộc khảo sát chỉ ra trọng lượng trung bình của chúng hiện lên đến 4,28kg). Tuy nhiên, phe phản đối lo ngại chất lượng giáo dục giảm sút do học sinh mất tập trung lúc học và sử dụng thiết bị điện tử cho mục đích khác.
Kể từ năm 2030, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương được lựa chọn giữa 3 hình thức: chỉ sách giáo khoa số, chỉ sách giáo khoa giấy hoặc kết hợp cả hai. Sách giáo khoa số được phép sử dụng trong lớp học từ năm 2019, nhưng chỉ đóng vai trò “tài liệu giảng dạy thay thế” bổ sung cho sách giáo khoa giấy. Chúng chưa được chính thức công nhận nên phần lớn chưa qua kiểm duyệt.
Gian nan số hóa giáo dục
Một cuộc khảo sát thực hiện bởi chính phủ ghi nhận việc áp dụng còn khá chậm chạp, năm 2024 chỉ 23% giáo viên tiểu học đến trung học cơ sở tích cực sử dụng công cụ trực tuyến. Tỉ lệ triển khai ở trường học cũng chỉ đạt 11,7%.
Nỗ lực thúc đẩy số hóa giáo dục của Nhật diễn ra trong bối cảnh thế giới còn đang tranh luận học trực tuyến hiệu quả hay không. Ngay tại đất nước mặt trời mọc, công cuộc số hóa như triển khai căn cước điện tử cũng khá trắc trở. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Nhật vào tháng 2 nhấn mạnh chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến là cần thiết để thúc đẩy tác phong học tập chủ động, tương tác, chuyên sâu.
Tiến sĩ sư phạm Kazuki Mitsui (Đại học Yamanashi) có cùng quan điểm: “Trẻ em phải học được cách lấy và đánh giá thông tin từ các nguồn kỹ thuật số. Dạy trẻ em biết cách phân tích thông tin kỹ thuật số phù hợp với định hướng trở thành quốc gia số của chính phủ”.
Nhật cung cấp miễn phí sách giáo khoa suốt 6 năm tiểu học cho học sinh 7 - 12 tuổi, cùng 3 năm trung học cơ sở cho học sinh 13 - 15 tuổi. Khi chính thức công nhận sách giáo khoa số, hạ tầng trường học lẫn trang thiết bị phải nâng cấp theo. Bộ Giáo dục Nhật dự kiến không để học sinh tiểu học dùng sách giáo khoa số vì nhận thức của các em chưa đủ, nhưng họ dẫn vài nghiên cứu chỉ ra rằng học trực tuyến không dẫn đến khác biệt đáng kể về khả năng ghi nhớ, hiểu biết hay điểm số.
Theo tiến sĩ Mitsui, cách tiếp cận “thả nổi” hình thức học trực tuyến khiến việc áp dụng sách giáo khoa số chậm chạp. Giáo viên không được đào tạo để thiết kế bài giảng số, không biết xử lý sự cố kỹ thuật lúc đang dạy, bất lực trong kiểm soát học sinh mất tập trung dùng thiết bị điện tử vào việc khác. Do đó họ quay lại thói quen cũ là sách giáo khoa giấy. Tờ Yomiuri Shimbun trích dẫn ý kiến hiệu trưởng giấu tên của một trường trung học cơ sở: “Việc cho học sinh sử dụng sách giáo khoa số giống như cho các em tham gia lớp học nấu ăn mà chẳng dạy trước về mối nguy hiểm của dao vậy”. Tờ Tokyo Shimbun vào tháng 3 dẫn ví dụ Thụy Điển bỏ hoàn toàn sách giáo khoa số sau khi nhận thấy kỹ năng đọc - viết của học sinh suy giảm.
Tiến sĩ Mitsui cũng chỉ ra sách giáo khoa số không được cung cấp miễn phí như sách giáo khoa giấy, tâm lý hoài nghi chúng còn nặng nên khó áp dụng rộng rãi. Mặc dù vậy ông đánh giá đây là công cụ tuyệt vời cho giáo dục vì chúng dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu từng học sinh, chẳng hạn phóng to cỡ chữ để dễ đọc hơn, thay đổi màu sắc phục vụ trường hợp mù màu, nội dung nhiều hình ảnh, sơ đồ thậm chí âm thanh nhằm dễ hiểu hơn. Song song đó sách giáo khoa giấy vẫn nên được cung cấp cho học sinh thích dùng bản giấy. Kết hợp hai hình thức giúp cả giáo viên lẫn học sinh linh hoạt hơn. Ông nói thêm rằng mối lo ngại về thị lực lúc sử dụng sách giáo khoa số dễ dàng được kiểm soát bằng cách nghỉ ngơi hợp lý.
Học sinh tham gia chương trình metaverse của trường Yushi chia sẻ tất cả khá giống môi trường học tập truyền thống với tiết học buổi sáng, làm dự án nhóm, hoạt động tập thể. Theo một học sinh biệt danh Toraneko: “Em từng không thể kết bạn và cảm thấy vô cùng lạc lõng. Nhưng tại đây em có thể tụ tập cùng bạn học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu sau giờ học trong vũ trụ ảo. Thậm chí chúng em đã gặp nhau ngoài đời thực”.
“Lúc cảm thấy chán nản hay hơi mệt mỏi, đi bộ hay đạp xe đến trường cũng rất mệt mỏi về mặt tinh thần. Nhưng giờ đây việc đi học chỉ cần đeo kính VR, không tốn nhiều năng lượng và giúp em duy trì động lực”, Toraneko nói thêm.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/no-luc-thuc-day-so-hoa-giao-duc-cua-nhat-231653.html