Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số
Cao Bằng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) với 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển. Qua đó, góp phần quan trọng trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) cấp tỉnh được triển khai, hoạt động ổn định, kết nối với LGSP quốc gia, đáp ứng sẵn sàng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối và giám sát bởi hệ thống giám sát của Cục Bưu điện Trung ương đến 100% UBND cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh tiếp tục được vận hành thử nghiệm với 4 phân hệ, gồm: giám sát một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát dịch vụ hành chính công, giám sát thông tin lĩnh vực y tế, giám sát thông tin du lịch.
Xây dựng LGSP cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu LGSP giữa các hệ thống thông tin, giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin thuộc các bộ, ngành và các hệ thống thông tin quốc gia. Trang bị hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng theo mô hình “4 lớp”, kết hợp với hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, tích hợp hệ thống phòng chống mã độc tập trung bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa, mất an toàn thông tin trên mạng. Hệ thống hội nghị trực tuyến tỉnh được tái cấu trúc, mở rộng trên toàn tỉnh, đồng nhất cùng với hệ thống thuộc cơ quan Đảng kết nối đến cấp xã, đáp ứng công tác chỉ đạo điều hành từ cấp Chính phủ với việc triển khai kết nối 4 cấp (từ cấp Trung ương đến cấp xã) với 22 điểm cầu cấp tỉnh, 10 điểm cầu cấp huyện và 161 điểm cầu cấp xã.
Cổng dịch vụ công (DVC) tỉnh được xây dựng đảm bảo các yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với Cổng DVC quốc gia, đáp ứng yêu cầu cung cấp DVC trực tuyến cho tổ chức và cá nhân. Hơn 200 cổng/trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, Thành phố, xã, phường, thị trấn đang hoạt động, thu hút đông đảo người dân truy cập tìm hiểu thông tin.
Việc tạo lập, phát triển dữ liệu tiếp tục được quan tâm, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các đơn vị hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành gồm: xây dựng, giao thông - vận tải, tài nguyên và môi trường, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị Thành phố và một số cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực khác dùng chung cấp tỉnh tích hợp trên nền cơ sở dữ liệu nền địa giới. Triển khai nền tảng công dân số; trung tâm dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây đang triển khai theo hình thức thuê dịch vụ phục vụ phát triển chính quyền số tỉnh bảo đảm 5 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn, an ninh mạng.
Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định 3 mục tiêu lớn: hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - phát triển kinh tế số - phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Nghị quyết xác định mục tiêu gắn quá trình CĐS, phát triển chính quyền số với hiện đại hóa nền hành chính nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển môi trường số an toàn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, CĐS tại tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cao Bằng được đánh giá là một trong các tỉnh thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo “đúng - đủ - sạch - sống”. Chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng DVC trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao.
100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) duy trì sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice để xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc; mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.
Từ việc triển khai các mô hình hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện, sử dụng DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, đảm bảo 100% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn, giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với nộp trực tiếp. Hiện, Cổng DVC tỉnh đang cung cấp hơn 1.500 DVC trực tuyến toàn trình và DVC trực tuyến một phần; gần 80% hồ sơ nộp trực tuyến; nhiều DVC trực tuyến có giao dịch thanh toán trực tuyến; trên 70% hồ sơ kết quả điện tử, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh có sự phát triển, chuyển dịch. Internet cáp quang tốc độ cao đã phủ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; gần 89% dân số toàn tỉnh có điện thoại thông minh; 98% dân số có sổ sức khỏe điện tử; gần 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Nhiều bệnh viện, trường học, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các tiện ích của Đề án 06 được đẩy mạnh ứng dụng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin gồm: phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và quản lý hồ sơ giáo dục thuộc “Hệ sinh thái giáo dục thông minh tỉnh”. Sở Giao thông - Vận tải triển khai dự án số hóa hạ tầng giao thông (hạ tầng nổi và hạ tầng ngầm) trên bản đồ số GIS, chia sẻ cho các cơ quan có liên quan khai thác sử dụng phục vụ công tác xây dựng và duy tu bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông. Sở Y tế triển khai hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth)….
Các nền tảng số phục vụ du lịch hoạt động ổn định như: Cổng du lịch thông minh (caobangtourism.vn); ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone (app Cao Bang Tourism) với các tiện ích tra cứu bản đồ, tìm thông tin chính xác về các địa điểm, lập trình tự động theo nhu cầu, đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách; giúp các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá, tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch hoàn chỉnh.
Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia, tỉnh tổ chức công bố, triển khai nền tảng công dân số Cao Bằng. Tạo kênh kết nối, tương tác giữa người dân và chính quyền thông qua ứng dụng trên thiết bị di động, hướng tới phát triển, nâng cao chất lượng các DVC trực tuyến gắn với người dân, doanh nghiệp.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/no-luc-thuc-hien-chuyen-doi-so-3174578.html