Tập trung thực hiện các giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, bền vững

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá như hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời có giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững.

Tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo đột phá tăng trưởng

Chiều 7/1, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp tổ chức Phiên toàn thể mùa Xuân - Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17 (VESF 2025).

Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI trên cả nước.

Phiên toàn thể mùa Xuân 2025 - Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17 được tổ chức với chủ đề “Cải cách - Kiến tạo kỷ nguyên kinh tế mới: Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”.

Theo đánh giá tại diễn đàn, năm 2024 là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là do những biến động phức tạp trên thế giới như xung đột địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát cao…

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 7%, quy mô kinh tế khoảng 476,3 tỷ USD, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD…

Những thành công này được đánh giá là nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và người dân, cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu từ những năm trước.

TS Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

TS Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

TS Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết, Diễn đàn VESF năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là năm cuối của giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 và là năm bản lề, tạo bước chuyển bứt phá cho giai đoạn phát triển mới 2026-2030.

Theo đó, trên cơ sở nhìn lại và đánh giá quá trình và kết quả của 4 năm thực thi kế hoạch phát triển kinh tế, phân tích bối cảnh kinh tế trong nước quốc tế năm 2025, diễn đàn tập trung đánh giá triển vọng kinh tế, hiến kế giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn tạo đột phá tăng trưởng trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Gắn với bối cảnh trong nước và quốc tế đang đặt ra nhiều vấn đề mới, cả nước đang nỗ lực, khẩn trương, quyết tâm cao độ để hoàn thành toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và duy trì trong các năm tới, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, năm 2025 cần được đặt ở một vị trí đặc biệt hơn, với cách tiếp cận và xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam cũng cần được nhìn nhận theo hướng không chỉ bảo đảm để tăng trưởng cao riêng cho năm 2025 mà phải tạo được nền tảng quan trọng để tăng trưởng cao, bền vững trong 5-10 năm tiếp theo.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo đó, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, các giải pháp bảo đảm và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ nhanh và triệt để các điểm nghẽn đang tồn tại, cản trở phát triển của nền kinh tế là những vấn đề ưu tiên cần tập trung trao đổi, thảo luận nhằm tìm kiếm các giải pháp đột phá hơn đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững kinh tế đất nước đã đặt ra cho năm 2025 và các năm tới.

Tập trung thực hiện các giải pháp đột phá

Phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao tính kịp thời và đóng góp thông tin của Diễn đàn VESF trong việc hội tụ sự tham gia đóng góp sáng kiến, giải pháp có tính khả thi và đột phá cao. Điều này có giá trị và ý nghĩa quan trọng trong việc đồng hành cùng Chính phủ nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và các năm tiếp theo.

Đây cũng là yêu cầu của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm và nhân dân cả nước đặt ra đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) đã đặt ra, hướng tới mục tiêu Chiến lược năm 2030 và năm 2045.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Về hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2024, đã hoàn thiện sửa đổi một số luật để tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn", phát huy nguồn lực để phát triển. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để tạo bước đột phá lớn hơn, mạnh hơn.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã và đang dồn nguồn lực để đầu tư. Dự kiến, năm 2025, bố trí nguồn vốn đầu tư công khoảng 800 nghìn tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào các công trình trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, phát triển cơ sở hạ tầng về điện (điện hạt nhân, năng lượng tái tạo), khu công nghiệp, khu kinh tế…

Chuyển giao công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất, sát hợp nhất, theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới.

“Để đột phá về khoa học, công nghệ, làm chủ công nghệ là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Chuyển giao công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế số để hướng tới mục tiêu tăng trưởng với chất lượng cao nhất, mạnh mẽ và bền vững nhất. Do đó, cần làm rõ nội hàm, các yếu tố thúc đẩy để đạt được nền kinh tế xanh, kinh tế số.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đã cùng thảo luận về các điểm tích cực và hạn chế, vướng mắc hiện tại của các nguồn lực, động lực tăng trưởng truyền thống, từ đó hiến kế, đề xuất các giải pháp vừa phát huy được những cơ hội, vừa xoay chuyển, hóa giải được các thách thức, để tạo sức bật, nền tảng ổn định, làm điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.

Các chuyên gia, diễn giả cùng thảo luận về các giải pháp bảo đảm tăng trưởng cao, bền vững cho Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Các chuyên gia, diễn giả cùng thảo luận về các giải pháp bảo đảm tăng trưởng cao, bền vững cho Việt Nam. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Ngoài ra, diễn đàn cũng đưa ra các nhận định về các nguồn lực, động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn…, từ đó đánh giá, phân tích để hiện thực hóa các động lực tăng trưởng mới này.

Theo đó, các chuyên gia đề xuất các giải pháp đột phá trong ngắn hạn và trung hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế mới có tính đột phá hơn nhằm khai phóng các nguồn lực, động lực mới, tạo sức bật cho Việt Nam bước vào thời kỳ tăng trưởng cao, tăng trưởng bao trùm.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tap-trung-thuc-hien-cac-giai-phap-dot-pha-de-dat-muc-tieu-tang-truong-cao-ben-vung-post854883.html