Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM
Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Xác định đây là tiêu chí khó, vì vậy ngay sau khi đạt chuẩn NTM, thời gian qua các xã đạt chuẩn và phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn và giải pháp để thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, NTM nâng cao ở các địa phương thời gian tới.
P.V: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện tiêu chí môi trường ở các xã NTM, NTM nâng cao hiện nay?
Ông Nguyễn Hải Đăng: Có thể nói tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong Bộ tiêu chí về NTM giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán của nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất. Nhờ đó, những năm qua, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào trồng hoa, cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom và xử lý rác thải được triển khai và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã ý thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nhiều gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, việc mai táng trên địa bàn các xã được thực hiện cơ bản phù hợp với quy định và theo quy hoạch.
Điểm đáng ghi nhận trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, khắp các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình về bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, có sức lan tỏa rộng rãi, như: Mô hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình, “Chi hội 5 không 3 sạch, tham gia xây dựng NTM”, “Chi hội mẫu thực hiện 3 sạch”, “Con đường/tuyến phố phụ nữ tự quản”, “Tổ thu gom phế liệu tiết kiệm vì phụ nữ trẻ em nghèo”, “Ngôi nhà vì bạn, vì tôi”, “Thu gom phế liệu - Bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ liên kết thu gom rác thải”, “Tuyên truyền, hướng dẫn, thực hành phân loại rác thải tại nguồn, ủ phân hữu cơ bằng thùng compost”, “Phụ nữ thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, “Nhà sạch, vườn đẹp, đường không rác”... Có thể nói, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về công tác vệ sinh môi trường, hiện tỷ lệ các xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn tiêu chí môi trường theo Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021-2025 là 71,08% (59/83 xã). Trong đó các xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 (12 xã), các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (17 xã) đến nay cũng đã cơ bản đạt chuẩn tiêu chí môi trường thuộc Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.
P.V: Môi trường là một trong những “tiêu chí động”, để duy trì và giữ vững là hết sức khó khăn, đòi hỏi phải sát sao, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Qua khảo sát, đánh giá từ thực tế, ông có thể nêu những điểm cần lưu ý, khắc phục trong quá trình tổ chức thực hiện tiêu chí môi trường ở các địa phương?
Ông Nguyễn Hải Đăng: Có thể khẳng định, nhờ thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường, những năm gần đây, diện mạo, cảnh sắc ở các địa phương trong tỉnh có sự chuyển biến, thay đổi tích cực. Đường giao thông nông thôn rộng rãi, sạch sẽ, thông thoáng, có hệ thống đèn chiếu sáng, được trồng hoa, cây cảnh hai bên. Các xóm, thôn không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan cảnh sắc làng quê...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện tiêu chí môi trường ở các địa phương hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan môi trường ở một số địa phương có thời điểm chưa được quan tâm, duy trì thường xuyên. Việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình ở nhiều nơi còn gặp khó khăn, chưa triệt để. Một số địa phương, sau khi rác thải hữu cơ được phân loại, khi trung chuyển ra bãi tập trung (do không có diện tích đất vườn để chôn lấp, xử lý) lại bị gom chung với rác thải khác...
Đường làng sáng, xanh, sạch, đẹp ở xã Lê Hồ, Kim Bảng.
Ảnh: Thanh Châu
P.V: Để giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm các địa phương cần phải thực hiện trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hải Đăng: Môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hoàn thành tiêu chí môi trường là nhiệm vụ khó, giữ vững được tiêu chí môi trường lại càng khó hơn. Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất đó là trao quyền và trách nhiệm cho người dân. Muốn vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường; phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, trường học sáng - xanh - sạch - đẹp; phát huy tối đa vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn, chủ động chỉnh trang vườn tạp, bố trí xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp lý, thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh... là những công việc cần được hết sức quan tâm, đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, cũng như xác định và phân định rõ trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể, cá nhân phụ trách trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường.
Về phía ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, có những giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào, mô hình đã phát động, xây dựng như: Phong trào trồng hoa, cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng mô hình đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; triển khai hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện tiêu chí môi trường; duy trì, đẩy mạnh phong trào Ngày thứ 7 tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, hướng dẫn nhân dân thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh môi trường nông thôn; tiếp tục triển khai thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hướng dẫn người dân cách xử lý rác hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp tại hộ gia đình; thu gom, xử lý rác thải nguy hại (là bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng) theo đúng quy định; xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; vận động nhân dân triển khai thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, xây dựng công trình xử lý nước thải như hầm biogas…
Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.