Nỗ lực tối ưu hóa việc sử dụng tài sản công

Cùng với việc triển khai tổng kiểm kê tài sản công và phân tích, đưa ra các khuyến nghị, Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực tối ưu hóa sử dụng các tài sản công nhằm tránh lãng phí, đồng thời tạo nguồn thu ngân sách phục vụ phát triển.

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Quận 3) dự kiến khởi công đầu năm 2025. (Ảnh THẾ ANH)

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Quận 3) dự kiến khởi công đầu năm 2025. (Ảnh THẾ ANH)

Tăng cường trách nhiệm quản lý tài sản công

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ và tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công trên địa bàn.

Kế hoạch hướng đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là việc khai thác, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết nhằm phát hiện những bất cập, sai sót, vi phạm trong quản lý, sử dụng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý và khắc phục. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả, nâng cao kỷ luật, chấp hành kỷ cương hành chính trong tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian thực hiện và trách nhiệm liên quan trên các lĩnh vực thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan.

Đối với những nội dung công việc thuộc thẩm quyền, các đơn vị cần chủ động có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, bất cập; sắp xếp, bố trí sử dụng hiệu quả các công trình công sở, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp trên địa bàn phụ trách; lập hồ sơ khai thác tài sản công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản công phát huy hiệu quả, đúng quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức; người đứng đầu các tổ chức và các đơn vị có sử dụng tài sản công tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 11/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.

Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thành phố hiện có khoảng 13.000 địa chỉ nhà, đất là tài sản công, trong đó có hơn 2.000 địa chỉ do Trung ương quản lý; hơn 10.000 địa chỉ do thành phố quản lý, trong đó, khoảng 95% số tài sản công đang được quản lý có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn 5% số tài sản công bỏ trống nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến lãng phí nguồn lực, gây mất mỹ quan đô thị.

Điển hình như Khu đất 475 Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) có diện tích 1.118 m², thuộc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Năm 2008, thành phố đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng để lập dự án xây dựng Trung tâm dịch vụ-văn hóa-nghệ thuật Gia Định theo hướng xã hội hóa. Tuy nhiên, sân khấu tại đây đã dừng, không hoạt động, khu đất cho đơn vị thuê mở nhà sách với mức giá 50 triệu đồng/tháng.

Hơn 10 năm nay, dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm giữa trung tâm thành phố vẫn “án binh bất động”. Dự án ở trên khu “đất vàng” có bốn mặt đường, gồm đường Võ Văn Tần-Pasteur-Nguyễn Đình Chiểu-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3) hiện bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy. Để giải quyết vướng mắc, thành phố đã quyết định chuyển dự án từ hình thức đầu tư BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) sang đầu tư công và khẩn trương hoàn thiện thủ tục để khởi công dự án trong năm 2025.

Ngoài ra, Khu đất 115-117 Hồ Tùng Mậu (Quận 1) diện tích 3.198 m² hay Khu đất 8-12 Lê Duẩn với diện tích gần 5.000 m² hiện được sử dụng làm bãi trông giữ xe. Cách đó không xa, Khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng diện tích hơn 6.080 m² cũng đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm…

Kể từ ngày 1/1/2025, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai kiểm kê toàn bộ tài sản công, đất công, dự kiến hoàn thành trong tháng 3, kết quả dự kiến công bố vào tháng 7. Theo đó, phạm vi tổng kiểm kê bao gồm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trong 12 lĩnh vực trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Sở Tài chính đang trình Đề án triển khai về quản lý tài sản công, trong đó tập trung phân tích và đưa ra các khuyến nghị để bảo đảm khai thác hiệu quả các tài sản công song song với Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Việc tổng kiểm kê tài sản công sẽ giúp thành phố đánh giá toàn diện hiệu quả quản lý và sử dụng tài sản công, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực này.

Liên quan đến việc xử lý số tài sản công sử dụng kém hiệu quả, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang tiến hành phân loại và xử lý. Cụ thể, một số tài sản thành phố sẽ đấu giá để thu ngân sách, một số sẽ xây dựng đề án để cho thuê tạm thời trong thời gian chờ đầu tư mới. Bên cạnh đó, thành phố đang nghiên cứu sắp xếp lại các sở, ngành trong diện sáp nhập, tính toán việc sử dụng các trụ sở công nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài sản công. Việc này không chỉ giúp sử dụng các trụ sở hiệu quả hơn, mà còn tạo thêm nguồn lực để phục vụ sự phát triển của thành phố.

NGUYÊN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-toi-uu-hoa-viec-su-dung-tai-san-cong-post859921.html