Nỗ lực triển khai bệnh án điện tử
Thông tư 46/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 28-12-2018 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 1-3-2019. Cụ thể, thông tư quy định lộ trình, từ năm 2019 - 2023, các bệnh viện hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị và triển khai phù hợp. Từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin, lập hồ sơ bệnh án điện tử, bước đầu đã mang lại thay đổi tích cực.
Tại Thanh Hóa, các bệnh viện đã bắt đầu triển khai thực hiện lộ trình ứng dụng CNTT, lập hồ sơ bệnh án điện tử, bước đầu đã mang lại thay đổi tích cực.
Bệnh viện Nhi - là 1 trong 6 bệnh viện trên cả nước được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm dự án bệnh án điện tử và quản lý hệ thống KCB với trọng tâm là nâng cấp phần mềm quản lý KCB tại bệnh viện. Việc ứng dụng hệ thống phần mềm từ tháng 7-2017 đã giúp bệnh viện kết nối thông tin của bệnh nhân tới tất cả các khoa phòng, giúp các bác sĩ dễ dàng trao đổi, hội chẩn, điều chỉnh thuốc, quản lý các xét nghiệm, lưu trữ bệnh án; đáp ứng nhu cầu KCB mỗi ngày của khoảng 1.600 lượt bệnh nhân nội ngoại trú. Bệnh viện cũng là đơn vị y tế duy nhất có phòng CNTT với 8 cán bộ quản lý 5 máy chủ và 250 máy trạm.
Bác sĩ CKII Lê Văn Tráng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết: Thực hiện Thông tư 46 của Bộ Y tế, bệnh viện đã quán triệt, triển khai và tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn bệnh viện. Đồng thời thành lập ban chỉ đạo cũng như hội đồng chuyên môn để đánh giá thực trạng việc ứng dụng CNTT tại bệnh viện. Phối hợp với các chuyên gia hàng đầu về CNTT để tư vấn và nâng cấp trang thiết bị CNTT trong bệnh viện.
Chị Lê Thị Hà, đang chờ kết quả xét nghiệm cho con chia sẻ: Thông qua mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế, tôi đăng ký làm thủ tục KCB cho con tại Bệnh viện Nhi rất nhanh chóng. Thông tin về bệnh của con tôi được chuyển đến phòng khám qua phần mềm điện tử, sau đó được chẩn đoán cận lâm sàng và chuyển đến các khoa, phòng chuyên môn để khám bệnh, không phải chờ đợi lâu.
Tại Bệnh viện Nội tiết, ngay sau khi triển khai thực hiện lộ trình bệnh án điện tử, đã thực hiện nâng cấp hệ thống CNTT, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc sẵn sàng cho việc áp dụng bệnh án điện tử và là một trong những bệnh viện thực hiện khá nhanh các bước để áp dụng kịp thời đưa bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy ngay từ 1-3-2019. Đến nay, toàn bộ bệnh án của bệnh nhân nội trú đã được thực hiện trên hệ thống phần mềm điện tử, giảm được phần lớn về thời gian chờ đợi cho bệnh nhân cũng như tiết kiệm được thời gian cho y, bác sĩ trong quá trình làm bệnh án.
Theo bác sĩ CKII Hà Khánh Dư, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết, lộ trình thực hiện bệnh án điện tử được triển khai từ nay đến khoảng năm 2023 mới có thể hoàn thiện, bước đầu chúng tôi đưa vào áp dụng bệnh án điện tử đối với bệnh nhân ngoại trú và đã thấy những tiện ích rõ rệt. Nếu như trước đây mọi thông tin khám, chẩn đoán, chữa trị của bệnh nhân trong 1 đợt điều trị được ghi chép bằng tay rất mất thời gian, tình trạng sai lệch thông tin vẫn còn xảy ra. Thì đến nay, phần mềm bệnh án điện tử sẽ khắc phục được những bất cập đó, thông tin về tất cả các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học, những thông tin này có thể sử dụng làm dữ liệu liên thông cho các bệnh viện, thuận tiện để theo dõi lịch sử bệnh của bệnh nhân để điều trị và chẩn đoán chính xác các loại bệnh.
Theo lộ trình được Bộ Y tế đề ra, bắt đầu từ 1-3-2019 đến năm 2023, các bệnh viện hạng I trở lên phải chủ động nâng cấp hệ thống CNTT để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy... Triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử đòi hỏi phải số hóa tất cả các quy trình chuyên môn, thay thế hoàn toàn bệnh án bằng giấy trong KCB. Mục tiêu của việc chuyển đổi bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy sẽ giúp cho bệnh nhân không còn phải vất vả làm các thủ tục KCB; y tá không mất thời gian lưu giữ hồ sơ bệnh án, công tác chẩn đoán, điều trị của các bác sĩ cũng hiệu quả hơn trước đây. Cụ thể, mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở KCB. Hồ sơ này phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử. Hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế cho bệnh án giấy nhằm tạo thuận lợi, phục vụ người bệnh được tốt hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được, các bệnh viện cần có sự đồng bộ về cơ sở vật chất, các thiết bị, máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu lưu trữ và bảo mật thông tin của người bệnh. Để triển khai đồng bộ và có hiệu quả, đòi hỏi giữa các bệnh viện và đối tác công nghệ phải lên phương án và thực hiện đúng lộ trình.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/no-luc-trien-khai-benh-an-dien-tu/112766.htm