Nỗ lực triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ

Ngay sau khi Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành, BHXH tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với BHXH tỉnh tuyên truyền, triển khai chính sách, góp phần hỗ trợ kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Trong số 12 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23, có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH, gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, ngành cũng thực hiện xác nhận trong 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác, như: Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo nghề; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; ngừng việc; nghỉ việc không lương; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, trả lương ngừng việc cho người lao động.

Cán bộ Phòng Thu, BHXH tỉnh rà soát các đối tượng, đơn vị được hưởng chính sách.

Cán bộ Phòng Thu, BHXH tỉnh rà soát các đối tượng, đơn vị được hưởng chính sách.

Ông Nguyễn Thế Quân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Ngay sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã huy động toàn bộ cán bộ, viên chức của Phòng thu và BHXH các huyện tập trung rà soát các đối tượng, đảm bảo cho các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động kịp thời được hưởng các chế độ, chính sách. BHXH tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn cho các đơn vị có số lao động lớn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các huyện giải quyết kịp thời những vướng mắc về thủ tục hồ sơ vay vốn để người lao động sớm được hưởng các chế độ chính sách của Chính phủ. BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố khi nhận được hồ sơ của đơn vị thì thực hiện giải quyết không quá một ngày làm việc.

Nhờ thực hiện tốt công tác số hóa, tin học hóa trong quản lý đối tượng tham gia, nên chỉ trong hai ngày BHXH tỉnh đã hoàn thành việc đối chiếu, xác định được đối tượng và các đơn vị được hưởng chế độ chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 11/8, toàn ngành BHXH tỉnh đã gửi văn bản hướng dẫn cho 2.780 đơn vị, doanh nghiệp trên toàn tỉnh về hướng dẫn các quy trình thực hiện các chính sách theo Quyết định 23; đã triển khai thực hiện điều chỉnh mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tính số tiền tạm tính được giảm trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022) cho 1.270 đơn vị, với 19.433 lao động là 5,88 tỷ đồng. Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 2 đơn vị, với 9 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất...

Ông Trần Đình Khải, Phó Giám đốc BHXH huyện Thuận Châu, thông tin: Đến nay, đơn vị đã hoàn thành việc rà soát số lao động được giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 49 doanh nghiệp, 4 đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính; hướng dẫn các đơn vị gặp khó khăn phải ngừng sản xuất, kinh doanh lập danh sách đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; xác nhận cho các đơn vị sử dụng lao động để làm cơ sở được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng CSXH để trả lương cho người lao động và tái sản xuất.

Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Sông Lam có 69 cán bộ, công nhân, đang quản lý, vận hành 2 nhà máy thủy điện Nậm Chim 1 và 1A tại xã Xím Vàng (Bắc Yên). Ông Nguyễn Như Hùng, Giám đốc, cho biết: Công ty đã được BHXH tỉnh thông báo về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 0,5% xuống 0%, cho 69 lao động với tổng số tiền giảm trừ 12 tháng gần 40 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Bá Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Sơn La, cho biết: Đơn vị có 889 CBCNV được hưởng chính sách giảm 0.5% đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với số tiền tạm tính là hơn 195 triệu đồng trong 12 tháng. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thêm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Với sự nỗ lực của BHXH tỉnh trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đã góp phần đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động và tháo gỡ khó khăn người sử dụng lao động có thêm điều kiện để phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/no-luc-trien-khai-nghi-quyet-68-cua-chinh-phu-42451