Nỗ lực từ '3 không', nữ sinh Quảng Ninh xuất sắc giành học bổng du học Mỹ
Với '3 không': Không hồ sơ đẹp - Không IELTS - Không qua trung tâm, Phạm Thị Minh Thảo đã nỗ lực giành học bổng toàn phần trị giá 5 tỷ đồng từ trường đại học Mỹ.
Cuối tháng 3/2022, Phạm Thị Minh Thảo (sinh năm 2003, tại Quảng Ninh) nhận được thư thông báo đã giành được học bổng toàn phần trị giá hơn 5 tỷ đồng từ Đại học Berea (Mỹ). Thảo dự kiến sẽ học ngành kinh tế, khoa học máy tính và khoa học chính trị.
Được biết, Đại học Berea là trường có tỉ lệ chấp thuận sinh viên quốc tế rất thấp (chỉ 3%). Minh Thảo đã vượt qua 1.000 bộ hồ sơ để trở thành một trong 30 sinh viên quốc tế được nhận vào trường.
Theo đó, nữ sinh này sẽ được cấp 56.000 đô la Mỹ/1 năm học, tương đương gần 1,3 tỉ đồng/năm. Không chỉ vậy, Minh Thảo còn được nhận sự hỗ trợ của nhà trường về chi phí ăn ở, bảo hiểm và được trợ cấp cho 2 kỳ thực tập, nghiên cứu.
Xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân
Minh Thảo chia sẻ, vì xác định điểm GPA của bản thân không quá cao (8.0), không xét bằng điểm IELTS, thay vào đó là điểm DET (Duolingo English Test) đạt 120, hoạt động ngoại khóa lại không quá nhiều, chính vì vậy nên Thảo quyết tâm đặt cược ở tiêu chí cuối cùng, đó là bài luận.
Nữ sinh sinh năm 2003 đã quyết định đặt hết tâm sức vào bài luận với nội dung cốt lõi được xây dựng xuyên suốt chính là câu chuyện kể về niềm đam mê học lịch sử và cách thiết kế cuộc đời của bản thân.
Trước đó, Thảo đã được nhận học bổng toàn phần Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vào trường Middle East Technical University - ngôi trường được xếp hạng top 1 Thổ Nhĩ Kỳ và học bổng toàn phần từ Đại học Phụ nữ Châu Á (Asian University for Women) cùng trong năm 2021. Tuy nhiên, đó đều không phải mục tiêu lớn nhất của nữ sinh Quảng Ninh.
“Mình có ước mơ du học từ khi học lớp 8, hồi đó mình thích học tiếng Anh nên càng học, mình càng tìm hiểu sâu hơn về văn hóa các nước. Những cuốn sách phiêu lưu của hai tác giả Nguyễn Thị Phương Mai, Huyền Chip đã đem lại cho mình khao khát khám phá thế giới ngoài kia. Lúc đó, mình nghĩ du học là con đường duy nhất để hiện thực hóa ước mơ ấy", Minh Thảo tâm sự.
Một trong những lí do khiến Thảo đủ can đảm nộp đơn xin học bổng của Mỹ là vì muốn chứng minh bản thân.
Thảo cho biết, quyết tâm du học được truyền cảm hứng từ một người chị trong quá trình làm dự án xã hội, sau một thời gian dài do dự, Thảo đã quyết tâm thử điều mà mình chưa bao giờ dám thử.
Trái đắng trước quả ngọt
Trước khi nhận được bức thư thông báo nhận được học bổng từ Berea, Minh Thảo đã nhận 16 bức thư từ chối. “Cũng nản lắm vì mình đăng kí nhiều như vậy mà bị từ chối hoài, không nản sao được” - nữ sinh bộc bạch.
Thảo đã từng nộp đơn vào United World Colleges (UWC hay Trường Liên kết Thế giới là một hệ thống gồm 15 trường trên khắp thế giới) nhưng rất tiếc phải dừng chân ở chặng thử thách cuối cùng.
Mặc dù còn nhiều tiếc nuối nhưng qua đó, Thảo đã học được nhiều bài học và có những người bạn vô cùng tuyệt vời tại đây.
Trong quá trình nộp đơn, Thảo cũng gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, tài chính là rào cản lớn nhất đối với Thảo, vì mức sống ở Mỹ vô cùng đắt đỏ, vậy nên càng áp lực việc tìm trường hỗ trợ toàn phần.
Ngôn ngữ cũng là một nỗi lo lớn vì điểm quy đổi sang IELTS của Thảo không quá cao. Hơn nữa, Thảo phải đối diện với việc vượt qua sự cô đơn.
"Mọi người khi xin học bổng Mỹ hầu như đều có người hướng dẫn hoặc qua trung tâm. Còn mình thì tự bước đi một mình thôi" - Thảo tâm sự.
Nhưng dù không có người chỉ lối, Thảo vẫn cảm thấy rất may mắn khi luôn có những người bạn ở bên giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn. Trong khi viết luận, Minh Thảo đã vô tình gặp được một người bạn rất tốt đã cùng đồng hành và giúp đỡ trong việc sửa bài luận.
Nỗ lực vượt qua những rào cản
Khi Thảo chia sẻ rằng khi bày tỏ ý muốn đi du học, rất nhiều người đã không tin và đều nói rằng cô "mơ mộng quá", "chả thực tế tí gì",...
Nhưng cũng chính sự không tin tưởng từ người ngoài đã tạo nên động lực mạnh mẽ cho Thảo quyết tâm giành được học bổng, chứng minh bản thân trước mọi người.
Không chỉ chứng minh bằng thực lực về chuyên môn, nữ sinh Quảng Ninh còn tích cực tham gia các dự án xã hội hướng về cộng đồng và phát triển bản thân.
Nổi bật nhất có thể kể đến như dự án Phiêu Linh, đây là một dự án hướng đến mục tiêu bình đẳng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số.
Thảo đã đồng hành cùng dự án tới nay đã gần 3 năm. Tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng dự án vẫn được tiếp tục triển khai với những mục đích nhân văn, đem cơ hội học tập đến cho các em nhỏ vùng cao.
Ngoài ra, Thảo cũng từng tham gia tranh biện và đạt một số thành tích đáng ngưỡng mộ như: giải người nói xuất sắc nhất (giải cá nhân) và Á quân (giải nhóm) trong cuộc thi Viet Nam Inter-school Debate Invitational, lọt vào Tứ kết hai cuộc thi tranh biện trực tuyến KaPaio Debate Online và Novus Tournament Debate Online.
Thảo cũng là thành viên Ban chuyên môn Câu lạc bộ Xando - Câu lạc bộ Tranh biện Chuyên Hạ Long.
Về lời khuyên dành cho các bạn muốn du học, Thảo chia sẻ: "Mình chỉ muốn gửi tới các bạn trẻ đang khao khát thực hiện ước mơ một thông điệp, đó là: cứ làm thôi, muốn là phải làm. Một trong những cách để hiện thực hóa ước mơ là cứ làm đi, thất bại và khó khăn chỉ là một phần trong hành trình đến với mục tiêu."
Trong quá trình viết luận, khi thấy quá bí bách và không nghĩ ra ý tưởng, Thảo đã có quyết định táo bạo đó là… đi phượt để lấy cảm hứng. Tuy nhiên, Thảo cho biết, chỉ đến khi về nhà, đọc lại những quyển sách ngày xưa đã từng đọc, làm những thứ gợi nhắc lại bản thân mình ngày xưa, chính lúc ấy Thảo mới có động lực.
Những thành tích trên có được đều là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng của Minh Thảo trong một thời gian dài.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Minh Thảo cho biết cô bạn sẽ tiếp tục hoàn thành những dự án xã hội còn đang dang dở, mong rằng sẽ có những trải nghiệm mới và học tập thật tốt tại một đất nước mới, nơi mà cô bạn đã mơ ước bấy lâu.