Nỗ lực vì hạnh phúc của người lao động

Thực tế cho thấy, để góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, thì một trong những điều quan trọng là làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và thị trường việc làm trong nước…

Thách thức trong thị trường việc làm đòi hỏi cần có những quyết sách kịp thời, phù hợp. Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).

Thách thức trong thị trường việc làm đòi hỏi cần có những quyết sách kịp thời, phù hợp. Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).

Lo lắng chính đáng về nơi ăn, chốn ở

Cuối tháng 7 vừa qua, Diễn đàn người lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn” đã được tổ chức. Qua những nguyện vọng được bày tỏ tại Diễn đàn có thể thấy, nguyện vọng của người lao động chủ yếu xoay quanh vấn đề việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc…

Tại Diễn đàn, nêu vấn đề về bữa ăn giữa ca của người lao động, anh Đinh Xuân Đức, công nhân Công ty TNHH Khởi Hùng, tỉnh Khánh Hòa cho rằng bữa ăn giữa ca của người lao động Việt Nam rất quan trọng. Nếu người lao động được ăn bữa ca bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ có sức khỏe, làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca của người lao động cũng như nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp phải lo bữa ăn giữa ca cho người lao động, nên chất lượng bữa ăn giữa ca tại nhiều doanh nghiệp còn thấp, mặc dù công đoàn cũng đã tham gia thương lượng, giám sát. Do đó, anh Đức đề nghị trong quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động, cần có quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca và trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong vấn đề này.

Nữ công nhân Đào Thị Loan làm việc tại Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương nêu ý kiến, nhà ở là một trong những vấn quan tâm, bức xúc của nhiều công nhân lao động. Công nhân từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây lên Bình Dương và các tỉnh, thành phố làm việc, hầu hết phải thuê nhà trọ. Nhà thuê thường diện tích chật hẹp, ẩm thấp, tạm bợ, khó khăn trong sinh hoạt. Tương tự, chị Lê Thị Hiệp công nhân Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội có 16 năm làm công nhân tại công ty nhưng chưa thể sở hữu một căn nhà ở cho cả gia đình. Chị mong mỏi được hỗ trợ vay tiền với lãi suất thấp trong thời gian dài để mua nhà.

Cũng về vấn đề nhà ở, ông Nguyễn Minh Sơn - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam cho biết, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, có thể thấy anh chị em công nhân vui mừng, trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120 nghìn tỷ, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong đề án một triệu căn hộ. Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp; thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn, gây tâm lý bất an cho công nhân, người lao động khi vay. Thực tế gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này…

Tại Diễn đàn, trả lời kiến nghị đưa nội dung bữa ăn ca vào Bộ luật Lao động, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết đây là kiến nghị chính đáng, cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Bộ luật Lao động hiện hành đã có quy định đối thoại tại nơi làm việc, trong đó người sử dụng lao động và đại diện người lao động (tổ chức Công đoàn) tổ chức đối thoại về những nội dung hai bên quan tâm. Trong đó, bữa ăn ca là nội dung cần thiết trong đối thoại tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó, khi thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và công đoàn cũng có nội dung này. “Nhiều Công đoàn cơ sở đã đưa được nội dung này vào thương lượng tập thể, từ đó bữa ăn giữa ca đã được cải thiện. Tôi mong muốn Công đoàn thời gian tới tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các Công đoàn cơ sở để đưa nội dung bữa ăn ca vào thương lượng tập thể; đồng thời học tập những đơn vị thành công trong cải thiện bữa ăn giữa ca cho người lao động” - bà Nguyễn Thúy Anh cho biết. Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, sẽ có nghiên cứu, tiếp thu vấn đề này trong quá trình xem xét sửa đổi các quy định các liên quan của Bộ luật Lao động sau này.

Về vấn đề nhà ở xã hội, theo ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Dự thảo Luật Nhà ở đang trình Quốc hội đó là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân.

Dự thảo Luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội - đây trách nhiệm của chính quyền địa phương, cần bố trí quỹ đất phù hợp cho công nhân thu nhập thấp; có chính sách ưu đãi, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để nhiều chủ đầu tư quan tâm; người lao động cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận được nhà ở xã hội; đối với nhà lưu trú cho công nhân, đây được coi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp…

Hiện Ủy ban Pháp luật Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đại biểu quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp… để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội hội thông qua luật này ở Kỳ họp thứ 6.

Liên quan việc triển khai đến gói 120 nghìn tỉ, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Nghị quyết 33 của Chính phủ có chương trình thực hiện đề án thực hiện đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân lao động. Để triển khai đề án này, có nhiều giải pháp liên quan đến thể chế, tổ chức thực hiện. Theo đó, đã giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đồng thời các chính sách liên quan đến khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân.

Giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ công nhân, lao động và để triển khai thực hiện được, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai hỗ trợ gói 120.000 tỉ để hỗ trợ cho các chủ đầu tư hỗ trợ cho đối tượng có thể mua được nhà ở xã hội, công nhân trong khu công nghiệp với lãi suất ưu đãi từ 1,5 - 2%. Thời gian vay với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm. Việc hỗ trợ này chắc chắn rằng giúp cho chủ đầu tư có vốn đầu tư nhiều hơn cho người lao động…

Thách thức trong giải quyết việc làm

Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần được các bộ ngành quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. (Ảnh minh họa. Nguồn Tạp chí điện tử BĐS).

Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần được các bộ ngành quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. (Ảnh minh họa. Nguồn Tạp chí điện tử BĐS).

Đó là nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn và vấn đề này đã được đề cập trong báo cáo mới đây của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký báo cáo.

Theo báo cáo, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Ngoài ra, hiện tại tốc độ phục hồi và phát triển thị trường lao động còn bị tác động tiêu cực bởi suy giảm kinh tế của các nước trên thế giới, thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát cao…

Tốc độ tăng trưởng của các chỉ số thị trường lao động đã chậm lại, theo thống kê nhanh của các địa phương, trong 5 tháng đầu năm số lao động bị ảnh hưởng phải nghỉ việc hoặc giãn việc (giảm thời gian làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động...) là hơn 500.000 lao động, trong đó thôi việc, mất việc làm là khoảng 280 ngàn người, lao động giảm giờ làm là 195 ngàn người, ngừng việc, lao động ngừng việc, nghỉ việc không lương khoảng 17.000 người… Đáng chú ý, số lao động có việc làm giảm ở những địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh giảm 0,4%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,6%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Bắc Giang giảm 4,5%, Thái Nguyên giảm 2,2%.

Hiện nay chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho “cầu lao động” của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện qua các số liệu như tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 51,1 triệu người, trong đó 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,1%); gần 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 64,6%). Đến nay, đang có khoảng 38,1 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; cả nước chỉ có 26,4% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ….

Báo cáo của Chính phủ nhìn nhận: “Hiện nay mặc dù thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát được nhưng với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các ngành chủ lực không được giải quyết triệt để, thì nguy cơ thị trường lao động trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề…”.

Để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; đồng thời lồng ghép triển khai thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án và các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành LĐ-TB&XH. Song song, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; đồng thời lồng ghép việc triển khai thực hiện gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030…

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/no-luc-vi-hanh-phuc-cua-nguoi-lao-dong-post483653.html