Nỗ lực vì một xã hội bình đẳng, tiến bộ

Trong các vụ bạo lực gia đình, người già, phụ nữ, trẻ em thường là nạn nhân, những người phải chịu nhiều thiệt thòi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, song phần đa liên quan đến tệ nạn xã hội, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình…

Ngăn chặn từ sớm, từ xa

Vài năm trở lại đây, tình trạng bạo lực gia đình, số vụ, nạn nhân bị bạo lực đã giảm đáng kể. Riêng từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh chỉ có hơn 10 vụ bạo lực gia đình và đều được giải quyết hài hòa, thuận lý, hợp tình. Có được kết quả đó, công tác phòng, ngừa được các cấp, ngành đặt lên hàng đầu; công tác tuyên truyền được đổi mới với các hình thức phong phú; nhiều mô hình hoạt động về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì, nhân rộng như: Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Gia đình trẻ phát triển bền vững”, “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Gia đình trẻ không có bạo lực”…

Chủ động phát triển kinh tế cũng là giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong ảnh: Gia đình chị Lường Thị Thảo, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) chăm sóc đàn bò.

Chủ động phát triển kinh tế cũng là giải pháp xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong ảnh: Gia đình chị Lường Thị Thảo, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) chăm sóc đàn bò.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, phê phán hủ tục trọng nam khinh nữ, bạo hành gia đình; tuyên dương, nhân rộng gương gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa; gương già làng, trưởng bản tiêu biểu trong việc dạy bảo con cháu làm theo pháp luật, sống hòa thuận, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình Việt Nam.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đỗ Thị Thu Thủy cho biết, hàng năm, cùng với nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh, các cấp hội thường xuyên đẩy mạnh hoạt động vun đắp, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Cùng với đó, triển khai thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi”; mở các lớp tập huấn, xây dựng “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh, nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Duy trì gần 300 mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững gắn với tổ/nhóm phụ nữ liên kết sản xuất - kinh doanh - dịch vụ phát triển kinh tế; nhóm cổ phần tài chính tự quản...

Phụ nữ xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) được cơ quan chức năng tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng bảo vệ bản thân trước các hành vi bạo lực gia đình.

Phụ nữ xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) được cơ quan chức năng tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng bảo vệ bản thân trước các hành vi bạo lực gia đình.

Cũng như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay đã được các địa phương quan tâm nhiều hơn. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai tại 10/10 huyện, thị, thành phố. Toàn tỉnh hiện có hơn 500 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; gần 700 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; hơn 500 tổ tư vấn, hòa giải cơ sở. Trong đó, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần, một số khác duy trì sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý. Riêng “Địa chỉ tin cậy” toàn tỉnh hiện có gần 800 địa chỉ.

Nỗ lực vì bình đẳng giới

Để mỗi gia đình luôn gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương phát động sâu rộng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đến tất cả tổ dân phố, khu dân cư. Động viên các gia đình nhắc nhở thành viên hòa thuận, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp, ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của bản, khu dân cư…

Ông Lê Vũ Lưu, tổ trưởng tổ dân phố 23, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Nhiều năm qua, các hộ gia đình ở khu dân cư không chỉ chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước mà còn là những công dân tiêu biểu trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Bởi thế qua bình xét các tiêu chí gia đình văn hóa hàng năm, cơ bản các hộ gia đình đều đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”.

 Phụ nữ xã Mường Lạn (huyện Mường Ảng) vui ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phụ nữ xã Mường Lạn (huyện Mường Ảng) vui ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, xã hội ngày càng văn minh hơn, việc xây dựng gia đình hạnh phúc càng trở nên quan trọng. Bởi vậy, cùng với các cấp, ngành, hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động cổ vũ nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, đẩy đùi bạo lực gia đình, như: Các hội thi, cuộc thi. Ngành xây dựng kế hoạch triển khai hướng dẫn các cơ quan, các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc, tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam; vận động nhân dân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ lành mạnh, an toàn, thực hiện nếp sống văn hóa, giữ vững kỷ cương kỷ luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh…

Nâng cao vị thế của phụ nữ, nhiều cuộc thi, hội thi được các cấp, ngành quan tâm tổ chức.

Nâng cao vị thế của phụ nữ, nhiều cuộc thi, hội thi được các cấp, ngành quan tâm tổ chức.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2023 là một trong những yếu tố quan trọng mang đến sự bình đẳng giới trong xã hội. Triển khai Luật này, hàng năm, công tác vận động, ủng hộ nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã được quan tâm hơn. Công tác tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân cam kết không có hành vi bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc được chú trọng. Nhiều tổ chức, hội nghề nghiệp chủ động tham gia tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình... Qua đó, nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình của toàn xã hội được nâng lên; tình trạng bạo lực gia đình hàng năm giảm đáng kể; chất lượng cuộc sống của các cá nhân và gia đình được cải thiện, góp phần ổn định xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu dân cư.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/no-luc-vi-mot-xa-hoi-binh-dang-tien-bo