Nỗ lực vì nạn nhân chất độc da camTin khácNỗ lực vì nạn nhân chất độc da camTruyền nhiệt huyết giữ gìn di sản then cho thế hệ trẻ
Trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm sẻ chia khó khăn với các NNCĐDC, xoa dịu nỗi đau da cam, chăm sóc, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống.
Cách đây tròn 60 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành phun rải chất độc hóa học (CĐHH) xuống hai bên quốc lộ 14, Thị xã Kon Tum, mở đầu cho cuộc chiến tranh hóa học kéo dài suốt 10 năm ở miền Nam. Thực tế cho thấy cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở miền Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người từ trước tới nay và đã để lại hậu quả nặng nề, lâu dài đối với môi trường hệ sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam. Theo đó, từ ngày 10/8/1961 – 10/8/1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít CĐHH xuống gần ¼ diện tích miền Nam Việt Nam, trong đó, 61% là CĐHH, chứa 366 kg chất dioxin; hậu quả khiến hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là NNCĐDC và hơn chục nghìn NNCĐDC đã chết. Hiện nay, hàng trăm nghìn người khác hằng ngày, hằng giờ đang phải vật lộn với các dạng bệnh tật hiểm nghèo, hàng vạn trẻ em sơ sinh bị dị dạng, dị tật bẩm sinh. Nhiều gia đình có cả 3 thế hệ là NNCĐDC hoặc không còn duy trì được nòi giống, nhiều phụ nữ không có quyền hưởng hạnh phúc làm mẹ, làm vợ…
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng tặng quà gia đình nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Thị Nhã, thôn Lạng Nắc, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng
Tại Lạng Sơn, qua điều tra sơ bộ năm 2001 của Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội, có khoảng 4.000 người, chủ yếu là các cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường B, C, K trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trước ngày 30/4/1975 bị nghi phơi nhiễm CĐHH dioxin. Nhưng do có nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay, toàn tỉnh mới có 798 người được hưởng chế độ NNCĐDC, trong đó có 439 người là đối tượng trực tiếp và 359 người là con đẻ của họ. Tuy mỗi gia đình có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhìn chung tại các hộ gia đình có NNCĐDC đều có hoàn cảnh éo le, cùng khổ, khó khăn về kinh tế, về lao động. Đau đớn, day dứt về tinh thần, bệnh tật dày vò, nợ nần đeo bám, hằng ngày, hằng giờ phải vật lộn với những cơn đau bệnh tật do ảnh hưởng CĐHH và cả không ít sự kỳ thị của xã hội.
Những năm qua, công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đã được ban hành và thực thi, các chủ trương, chế độ, chính sách đang tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung ngày một tốt hơn, nhằm đẩy nhanh khắc phục hậu quả CĐHH, giải quyết và đảm bảo các chế độ, chính sách đối với các NNCĐDC. Công tác vận động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên, đột xuất đối với các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm, chỉ đạo.
Trải qua 13 năm xây dựng và hoạt động (thành lập tháng 9/2008), đến nay Hội NNCĐDC tỉnh đã thành lập tổ chức hội được ở 11/11 huyện, thành phố và 23 tổ chức hội cơ sở xã, phường, thị trấn với gần 4.000 hội viên. Qua đó, thông qua các cấp hội cơ sở, công tác bảo vệ quyền lợi, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC trong tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, thiết thực hơn.
Đối với công tác tổ chức thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC từ năm 2013 đến nay, hội đã vận động nguồn lực từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ xây mới, sửa chữa được tổng cộng 57 ngôi nhà cho NNCĐDC, trị giá đạt trên 2,5 tỷ đồng; trích nguồn quỹ hội 170 triệu đồng cho 17 gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn vay với thời hạn 5 năm không lấy lãi để hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí đưa hàng trăm lượt NNCĐDC đi xông hơi, giải độc tại Hà Nội. Hằng năm vào dịp tết, ngày Thảm họa da cam Việt Nam (10/8), toàn bộ NNCĐDC đều được các cấp hội tổ chức đến thăm, động viên và tặng quà. Qua những việc làm thiết thực trên đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, đồng thời, động viên, khuyến khích NNCĐDC có thêm nghị lực, điều kiện vươn lên dần ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Trong thời gian tới, Hội NNCĐDC tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 43/CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật do chiến tranh trong tình hình mới. Các cấp hội trong tỉnh nguyện chung sức, đồng lòng với tinh thần: Đoàn kết – nghĩa tình – trách nhiệm, vì NNCĐDC. Đồng thời, thực hiện tốt phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Cùng với đó, hội sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, kiện toàn, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo làm tốt công tác vận động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC kịp thời, thiết thực để xứng đáng là chỗ dựa tinh thần, mái ấm nghĩa tình của các NNCĐDC trên địa bàn tỉnh.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/440406-no-luc-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam.html