Nỗ lực vì quyền lợi người lao động
Việc nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các doanh nghiệp (DN) đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLÐ), nhất là khi NLÐ có nhu cầu thay đổi công việc, hoặc ảnh hưởng các chế độ, quyền lợi BHXH ngắn hạn như ốm đau, thai sản, dưỡng sức; NLÐ thất nghiệp không được hưởng BHTN trong thời gian chưa tìm kiếm được việc làm; hay đủ điều kiện nghỉ hưu không được giải quyết chế độ hưu trí kịp thời...
Theo thống kê của ngành BHXH tỉnh, hiện có 71 DN nợ BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, trong đó có 9 DN đã nộp dứt điểm số tiền nợ trên 3,3 tỷ đồng; 15 DN nộp một phần với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng; 20 DN đã ngừng hoạt động, giải thể, sáp nhập hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, nợ số tiền 13,8 tỷ đồng; 24 DN đến làm việc theo giấy mời của tổ công tác và cam kết nộp trả; 15 DN được tổ công tác mời làm việc nhưng không đến làm việc. Phóng viên Báo Cà Mau có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) xung quanh việc giải quyết vấn đề nêu trên.
- Qua con số thống kê của ngành BHXH về tình hình nợ đóng BHXH của các DN trên địa bàn tỉnh hiện nay, với vai trò của mình, Sở LÐ-TB&XH đã có những động thái gì để đảm bảo quyền lợi cho NLÐ, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Thanh: Ðể hạn chế tình trạng nợ đọng, cũng như phát triển người tham gia BHXH, Sở LÐ-TB&XH cùng với BHXH tỉnh đã tham mưu, ban hành nhiều công văn đôn đốc, nhắc nhở cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường thực hiện bám sát tinh thần Nghị quyết số 125/NQ-CP, ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm và các văn bản có liên quan, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch; đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa thu hồi nợ đọng bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi của NLÐ. Cụ thể, đôn đốc hoặc mời các đơn vị sử dụng lao động lên làm việc, thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng. Tiếp đó là thanh tra, kiểm tra xử phạt kết hợp với công khai danh sách các DN nợ BHXH. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành chính đối với DN cố ý chây ì không đóng BHXH, BHTN.
Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức làm việc với DN, nắm rõ về thực trạng sản xuất, kinh doanh, khả năng tài chính, nguyên nhân, khó khăn của từng DN; yêu cầu DN có phương án, giải pháp cam kết lộ trình nộp dứt điểm số tiền nợ BHXH, BHTN, phải ưu tiên nộp đủ số tiền chưa đóng BHXH, BHTN cho những NLÐ đủ tuổi nghỉ hưu hoặc NLÐ được chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu đơn vị nào không thực hiện thì tổ chức đoàn thanh tra liên ngành thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra hằng năm.
Tăng cường thực hiện tuyên truyền, triển khai ứng dụng phần mềm bảo hiểm xã hội (VssID) đến NLÐ, giúp NLÐ chủ động theo dõi tình hình đóng BHXH của mình. Qua đó, NLÐ có cơ sở phản ánh với DN và cơ quan chức năng khi thấy quá trình đóng bảo hiểm của mình chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời, để bảo đảm quyền lợi NLÐ.
Phối hợp với BHXH tỉnh, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Cục Thuế tỉnh tổng hợp các DN ngừng hoạt động, phá sản hoặc không còn người đại diện theo pháp luật, hoặc DN không còn trụ sở trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ LÐ-TB&XH, BHXH Việt Nam đề xuất xin chủ trương xử lý theo quy định.
- Ðối với những DN cố tình trốn đóng bảo hiểm cho NLÐ, đơn vị đã có những biện pháp gì?
Ông Nguyễn Quốc Thanh: Với nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua, công tác thu hồi, giảm nợ đọng BHXH trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt, tuy nhiên kết quả đạt chưa cao. Sở LÐ-TB&XH đã phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh phân công cán bộ đôn đốc trực tiếp tại các đơn vị có số nợ cao; tăng cường đối chiếu thu, nộp BHXH với đơn vị sử dụng lao động; theo dõi, đôn đốc và gửi thông báo số nợ đến DN định kỳ hằng tháng; thường xuyên đăng tải các đơn vị nợ lên trang Thông tin điện tử.
Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng BHXH trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể giải quyết triệt để, đặc biệt là một số đơn vị có số nợ lớn kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLÐ. Nguyên nhân, do một số đơn vị làm ăn không hiệu quả nên gặp khó khăn trong việc thực hiện trích nộp BHXH; ý thức tôn trọng pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động chưa cao nên cố tình tham gia không đầy đủ cho NLÐ.
- Chúng ta có những chế tài nào để răn đe DN cố tình gian lận, trốn đóng các loại bảo hiểm, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Thanh: Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, quy định rõ về xử lý hình sự đối với tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ. Theo đó, các tội gian lận, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng. Mức phạt tăng lên 200-500 triệu đồng nếu phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 30 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người. Phạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.
Hành vi không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLÐ sẽ bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Ðặc biệt, pháp nhân thương mại (DN) nếu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ thì có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Người vi phạm còn có thể bị phạt tù lên tới 10 năm tùy theo mức độ.
Với quy định mới, sức răn đe đối với hành vi gian lận BHXH được tăng lên, sẽ thúc đẩy chủ DN phải tuân thủ các quy định về nộp BHXH cho NLÐ.
- Ông có thể cho biết giải pháp của ngành trong thời gian tới để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho NLÐ?
Ông Nguyễn Quốc Thanh: Trong thời gian tới, Sở LÐ-TB&XH cùng với cơ quan BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định mới nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đến với NLÐ và người sử dụng lao động.
Ðồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, liên ngành; tiếp tục rà soát các đơn vị nợ BHXH kéo dài, tập trung vào các đơn vị có khả năng trả nợ nhưng chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm, các đơn vị vi phạm luật về nghĩa vụ trích nộp BHXH như: đóng không đủ số người, không đủ số tiền theo quy định, nợ đọng BHXH kéo dài... để chuyển hồ sơ, phối hợp với tổ chức công đoàn khởi kiện, nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLÐ.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/no-luc-vi-quyen-loi-nguoi-lao-dong-a33706.html