Nỗ lực vì sự hài lòng của người dân
Năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh được xếp hạng dẫn đầu khối sở, ngành về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS), đứng thứ 2/20 sở, ngành về chỉ số CCHC, khẳng định sự nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần thiết thực vào thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ông Đinh Trung Dũng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ban Dân tộc đã thành lập Ban chỉ đạo CCHC của đơn vị thực hiện theo dõi, đôn đốc công tác CCHC, rà soát các thủ tục hành chính trong hoạt động của cơ quan, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC; chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, các đơn vị, phòng chuyên môn, tổ chức đoàn thể. Chủ động, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tham mưu thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn; đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Hằng năm, Ban tiến hành rà soát và đề nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ, ban hành mới các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ba cấp: Tỉnh, huyện, xã thuộc lĩnh vực công tác dân tộc theo đúng quy định. Hiện, lĩnh vực công tác dân tộc chỉ có 2 thủ tục hành chính, là: Công nhận người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, được Ban tham mưu thực hiện đúng quy trình, quy định của Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh.
Ban Dân tộc đã thực hiện niêm yết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại trụ sở đơn vị, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc. Đồng thời, thông báo công khai đến các tổ chức, cá nhân về việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.
Điểm nhấn trong thực hiện tốt công tác CCHC trong thời gian qua là Ban Dân tộc đã chủ động xây dựng dịch vụ công cấp độ 3 đối với 2 thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Ban Dân tộc. Từ khi dịch vụ công được đưa vào sử dụng đã tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại cho các tổ chức, cá nhân. Hồ sơ được Ban thực hiện trả đúng thời gian quy định.
Ông Lừ Văn Chung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Châu, cho biết: Trước đây, do các bước triển khai được thực hiện thủ công nên phải mất vài tháng mới hoàn thành bộ hồ sơ rà soát đề nghị công nhận người có uy tín ở cơ sở. Từ năm 2018 đến nay, sau khi áp dụng dịch vụ công trực tuyến và quy trình nội bộ, thời gian rút ngắn còn 14 ngày (từ khi huyện hoàn chỉnh hồ sơ gửi lên tỉnh) thì nhận được quyết định phê duyệt danh sách người có uy tín và còn giảm chi phí phô-tô hồ sơ tài liệu kèm theo.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị, đáp ứng yêu cầu làm việc, góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính hướng tới chính phủ điện tử. Hiện tại, 100% văn bản của Ban được chuyển dưới dạng điện tử. Đặc biệt, việc triển khai chứng thư số, chữ ký số vào hoạt động đã nâng cao hiệu quả công việc. Nhờ đó, tiến độ công việc được đẩy nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và nhân lực; đảm bảo thông tin, văn bản kịp thời hơn tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thực tế cho thấy, công tác CCHC ở Ban Dân tộc đã góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, đảm bảo tiến độ và thời gian, không để tồn đọng nợ việc. Năm 2015, từ đơn vị có chỉ số CCHC xếp vị trí cuối bảng các sở, ngành, đến năm 2020, Ban Dân tộc đã vươn lên đứng thứ 2/20 sở ngành Đây là động lực để Ban Dân tộc tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác CCHC năm 2021 với mục tiêu hàng đầu là thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/no-luc-vi-su-hai-long-cua-nguoi-dan-38441