Nỗ lực 'vượt bão'

Dù không nằm trong 'tâm bão' Covid-19, nhưng nhiều nước nghèo ở châu Phi và Mỹ la-tinh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Nỗ lực phục hồi kinh tế đang được các quốc gia ở hai khu vực thúc đẩy, song không tránh được những tổn thương sâu mà các nước này phải hứng chịu.

Dù không nằm trong “tâm bão” Covid-19, nhưng nhiều nước nghèo ở châu Phi và Mỹ la-tinh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Nỗ lực phục hồi kinh tế đang được các quốc gia ở hai khu vực thúc đẩy, song không tránh được những tổn thương sâu mà các nước này phải hứng chịu.

Khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê, cùng với phía nam Xa-ha-ra của châu Phi được đánh giá hứng chịu “cú sốc” kinh tế mạnh trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, đại dịch sẽ kéo lùi sự phát triển của nhiều nước tại hai khu vực vốn có nhiều nước nằm trong danh sách các quốc gia nghèo nhất thế giới. Dự báo, các nền kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê sẽ giảm 8,1% trong năm nay, chỉ tăng trưởng khoảng 3,6% trong năm 2021 và phải đến năm 2023 mới đạt mức tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch. Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch cho biết, áp lực nợ công đối với các nước Mỹ la-tinh sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2021, với nguyên nhân chủ yếu do sự phục hồi kinh tế không đồng đều trong khu vực cũng như những khó khăn trong vấn đề triển khai các biện pháp củng cố tài khóa. Tỷ lệ thất nghiệp, bất bình đẳng và nghèo đói do đại dịch gây ra sẽ dẫn đến những vấn đề liên quan căng thẳng chính trị - xã hội, khiến các chính sách điều chỉnh tài khóa khó có thể được triển khai một cách đồng bộ. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, số người thiếu ăn tại khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê tăng mạnh trong năm 2020, với khoảng 45,5 triệu người đối mặt tình trạng nghèo đói và 28,5 triệu người khác rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

Ðại dịch cũng làm trầm trọng thêm những thách thức của châu Phi, với tình trạng các cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế nghiêm trọng và sâu rộng. Khu vực nam Xa-ha-ra của châu Phi đối mặt những thách thức lớn khi có khoảng 40% các quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ từ trước năm 2020. Các nước này càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khoảng 890 tỷ USD để trả các khoản nợ khổng lồ cũng như phục vụ chi tiêu công cần thiết, trong bối cảnh đại dịch hoành hành.

Ưu tiên hiện nay của khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê cùng với châu Phi là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và củng cố sự phục hồi kinh tế. Ðể giảm tác động của đại dịch, nhiều nước đã công bố các chương trình hỗ trợ tài chính. Tại Hội nghị Ủy ban Kinh tế châu Phi (ECA) diễn ra bằng hình thức trực tuyến mới đây với chủ đề “Châu Phi hậu Covid-19: Tăng tốc hướng tới phát triển bền vững bao trùm”, các đại biểu đã đề xuất khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ mới và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) để giúp “lục địa đen” hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch. Việc thực thi hiệp định này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ chốt giúp châu Phi phục hồi kinh tế khi giúp mở rộng cánh cửa giao thương của thị trường trị giá 2.500 tỷ USD cũng như giúp nâng cao đời sống của hơn 1,3 tỷ dân. Trong khi đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng cần được chú trọng đầu tư, hỗ trợ phục hồi bởi đây là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất và không chỉ quan trọng đối với vấn đề an ninh lương thực mà còn đối với liên kết sản xuất lương thực liên khu vực, giúp tăng khả năng chống chịu trước những cú sốc. Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã khởi động chương trình Ứng phó lương thực của châu Phi trong đại dịch Covid-19 (FAREC), một lộ trình chiến lược nhằm bảo đảm an ninh lương thực trước tác động của đại dịch bằng cách hỗ trợ nông nghiệp và bảo đảm khả năng tự cung cấp lương thực trong khu vực.

Ðể hỗ trợ các nước thành viên trong khu vực thúc đẩy phát triển và kích hoạt lại nền kinh tế, Ngân hàng Phát triển Mỹ la-tinh (CAF) thông báo quyết định về việc cấp các gói tín dụng trị giá tổng cộng 3,43 tỷ USD. Ngân hàng khu vực này đã phê duyệt khoảng 2,23 tỷ USD nhằm hỗ trợ các sáng kiến kích thích kinh tế ở Ác-hen-ti-na, Cô-xta Ri-ca, Ê-cu-a-đo và Pê-ru nhằm giúp các nước này thúc đẩy kết nối kỹ thuật số, phát triển cơ sở hạ tầng cấp địa phương, triển khai chương trình hỗ trợ ứng phó khẩn cấp với tác động kinh tế do đại dịch gây ra. Ngoài ra, thể chế tài chính đa phương này còn phân bổ 1,2 tỷ USD cho một chương trình có mục tiêu đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công về điện, khí đốt và nước sinh hoạt tại khu vực.

Việc kết hợp các chính sách quốc gia với các biện pháp chung ở cấp độ khu vực, quốc tế được cho là sẽ giúp bảo đảm quá trình phục hồi mạnh và bền vững ở các nước. Con đường phục hồi nền kinh tế cần được củng cố liên tục với chính sách mạnh mẽ, trong đó có hỗ trợ tài chính hiệu quả nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại. “Có thực mới vực được đạo”, các gói cứu trợ kinh tế được coi là “phương thuốc hữu hiệu” giúp các nước nghèo “vượt bão” Covid.

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/no-luc-vuot-bao-627876/