Nỗ lực vượt 'cơn bĩ cực' của 'ngành công nghiệp không khói'

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19, kéo theo đó là các biện pháp đóng cửa biên giới, phong tỏa kéo dài… đang đẩy ngành du lịch vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 70 năm qua.

Hiếm có ngành nào thoát khỏi tầm ảnh hưởng của đại dịch chết chóc này, nhưng rõ ràng du lịch là một trong những ngành đầu tiên bị “dính đòn” và “vết thương” cũng nặng nề nhất. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, du lịch quốc tế có thể giảm tới 80% trong năm 2020 so với năm 2019. Sự sụt giảm này có thể dẫn tới thất thu từ 910 tỷ USD đến 1.200 tỷ USD doanh thu từ du lịch và hơn 100 triệu việc làm trực tiếp trong “ngành công nghiệp không khói” gặp rủi ro.

Song, những con số nêu trên chưa hoàn toàn đánh giá hết được tác động của Covid-19 đối với ngành du lịch. Theo Adam Sacks tại tập đoàn Oxford Economics, nếu đo lường toàn bộ tác động của ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nó sẽ lớn hơn bất kỳ ngành nào khác trên thế giới. Bởi đây là một ngành công nghiệp đa dạng, trong đó bao gồm cả hoạt động của các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng...

 Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở Paris, Pháp vắng khách vì dịch Covid-19. Ảnh: AP.

Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở Paris, Pháp vắng khách vì dịch Covid-19. Ảnh: AP.

Jane Sun, Giám đốc điều hành của Trip.com, công ty du lịch trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc cho rằng, sức công phá của dịch Covid-19 hiện đang nằm ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Còn Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics thì nhận thấy, du lịch là ngành đứng đầu chiến tuyến, chịu áp lực trực tiếp và ngay lập tức từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bởi vậy, một cú sốc tồi tệ là điều khó tránh khỏi với ngành này.

“Cơn bĩ cực” của ngành du lịch đang diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu, những khu vực được UNWTO chỉ mặt điểm tên trong danh sách chịu tác động nặng nề của Covid-19. Những thiên đường du lịch châu Á, như: Thái Lan, Singapore, Indonesia..., hay ở châu Âu, như: Italy, Pháp, Hy Lạp... đồng thời cũng là những nền kinh tế bị “ngấm đòn đau” từ cuộc khủng hoảng ngành công nghiệp không khói toàn cầu. Du lịch Italy vốn mang lại gần 100 tỷ USD mỗi năm và giải quyết việc làm cho khoảng 6% số lao động của nước này. Tuy nhiên, trước “cơn lốc” của đại dịch, Hiệp hội Du lịch Italy đánh giá Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với ngành du lịch nước này.

Để hạn chế tác động của dịch bệnh, nhiều quốc gia đã nhanh chóng đưa ra một số biện pháp ứng phó nhằm hỗ trợ ngành du lịch vượt qua giai đoạn cam go. Chương trình vốn vay ưu đãi và tạm hoãn đóng thuế thu nhập trong 6 tháng dành cho các công ty lữ hành bị tác động bởi dịch bệnh đã được Chính phủ Thái Lan thông qua. Trong khi đó, tại Pháp, nơi mỗi năm thu hút tới 90 triệu du khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới, chính phủ mới đây đã quyết định huy động 18 tỷ euro từ ngân sách nhà nước để giúp “ngành công nghiệp không khói” thoát hiểm. Đây là mức hỗ trợ lớn chưa từng có, được ví như một “liều thuốc trợ tim” nhằm vực dậy ngành du lịch Pháp vốn đóng góp 170 tỷ euro/năm cho GDP đất nước và tạo ra khoảng 2 triệu việc làm mỗi năm.

Bên cạnh các giải pháp tài chính, phương án thúc đẩy du lịch trong nước hoặc trong nội bộ khu vực cũng được nhiều quốc gia theo đuổi. New Zealand và Australia chính là ví dụ về cách thức kết hợp khá độc đáo nhằm gỡ khó cho ngành du lịch. Lãnh đạo hai bên đang bàn bạc về khả năng mở cửa biên giới, tạo ra hành lang du lịch an toàn-hay “bong bóng du lịch”-giữa hai quốc gia. Phương án này có tên chính thức là “vùng du lịch không Covid xuyên biển Tasman”, sẽ cho phép người dân được di chuyển trong phạm vi riêng biệt của hai nước. Một khu vực du lịch an toàn trong thời kỳ Covid-19 được lãnh đạo hai bên cho là sẽ mang lại lợi ích song phương, hỗ trợ cho việc phục hồi thương mại, kinh tế cũng như giúp khởi động lại các ngành du lịch và vận tải của hai nước.

Thực tế chẳng riêng New Zealand và Australia nghĩ tới một hành lang du lịch an toàn mà Liên minh châu Âu (EU) cũng đang theo đuổi một phương án tương tự. Tuy nhiên, trong cuộc họp gần nhất hôm 20-5 vừa qua, các bộ trưởng du lịch trong EU vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về lộ trình dần mở lại biên giới vào mùa hè theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) do một số quốc gia cho rằng châu Âu không nên liều lĩnh chấp nhận rủi ro khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Chính vì vậy, “gói các biện pháp về du lịch” của liên minh cho đến nay vẫn được treo lửng để chờ sự thống nhất giữa các thành viên.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự thận trọng của EU là hoàn toàn có lý. Bởi lẽ, vực dậy ngành du lịch sau cơn khủng hoảng dịch bệnh là điều cần thiết, nhưng vấn đề an toàn vẫn phải đặt lên trên hết. Cũng cần phải lưu ý rằng, du lịch sẽ không thể trở về nhịp độ bình thường nếu dịch bệnh vẫn còn chưa được kiểm soát triệt để. Việc vội vàng “bơm hơi” cho ngành du lịch mà lờ đi các biện pháp “cột chặt” dịch sẽ chỉ khiến "quả bong bóng" Covid-19 có cơ hội nổ ra một lần nữa.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/no-luc-vuot-con-bi-cuc-cua-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-618782