Nỗ lực vượt khó, khởi nghiệp thành công

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Đứng trước những khó khăn, thách thức, nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh không nản chí mà sẵn sàng đối mặt với khó khăn, tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Làm giàu từ nuôi bò sữa

Trang trại bò sữa của chị Vũ Thị Hương ở thôn An Hạ, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường là một trong những trang trại bò sữa lớn nhất của xã. Từ cuối năm 2019 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tới việc chăn nuôi của gia đình.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song chị Vũ Thị Hương ở thôn An Hạ, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường vẫn duy trì tốt việc chăn nuôi đàn bò sữa, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: Kim Ly

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song chị Vũ Thị Hương ở thôn An Hạ, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường vẫn duy trì tốt việc chăn nuôi đàn bò sữa, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: Kim Ly

Chị Hương nhẩm tính, trung bình, mỗi ngày, đàn bò của gia đình tiêu thụ khoảng 5 bao cám. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá cám cho bò tăng khoảng 100 nghìn đồng/bao. Tính ra, chi phí chăn nuôi đàn bò tăng thêm gần nửa triệu đồng/ngày. Trong khi đó, giá sữa vẫn giữ ổn định ở ngưỡng 13 - 14 nghìn đồng/kg.

Để khắc phục khó khăn, chị Hương mạnh dạn đầu tư mua thêm bò, tăng diện tích trồng cỏ, áp dụng nghiêm kỹ thuật chăm sóc đàn bò nhằm tăng sản lượng sữa. Nhờ đó, so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mức thu nhập của gia đình chị Hương từ chăn nuôi bò sữa có giảm song không đáng kể.

Trước đây, chị Hương làm công nhân, thu nhập bấp bênh. Năm 2017, được sự ủng hộ của gia đình, chị quyết định nghỉ việc tại công ty và bắt đầu khởi nghiệp bằng việc xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa.

Chị Hương mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mua con giống, xây dựng chuồng trại. Trước đó, bố mẹ chị từng chăn nuôi bò sữa với quy mô nhỏ. Chị Hương có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đàn bò từ bố mẹ và những hộ dân xung quanh.

Với ý chí quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ, sau 4 năm, quy mô đàn bò của gia đình chị Hương tăng từ 7 con lên 22 con. Chị thầu thêm 4 mẫu ruộng để trồng cỏ làm thức ăn cho bò; đầu tư mua thêm các máy vắt sữa, máy phay cỏ… phục vụ công việc chăn nuôi.

Để đàn bò phát triển khỏe mạnh, chị Hương đặc biệt chú ý tới chất lượng thức ăn cho đàn bò, đảm bảo đủ dinh dưỡng, không chứa dư lượng thuốc trừ sâu; thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát; đồng thời, lắp đặt thêm hệ thống quạt điện và bóng điện chiếu sáng trong chuồng để đảm bảo sức khỏe cho đàn bò trong những ngày thời tiết khắc nghiệt.

Hiện nay, đàn bò của gia đình chị Hương cho sản lượng sữa trung bình khoảng 3,5 tạ/ngày. Thu nhập từ trang trại bò sữa mỗi năm khoảng 500 - 700 triệu đồng.

Khởi nghiệp thành công từ nghề cơ khí

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến xưởng cơ khí của anh Ngô Xuân Công ở thôn Gò, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường bị ảnh hưởng khá nhiều. Lượng đơn đặt hàng giảm, đặc biệt là trong thời gian toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Anh Ngô Xuân Công ở thôn Gò, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường nỗ lực vượt khó, duy trì ổn định công việc ở xưởng cơ khí của gia đình. Ảnh: Kim Ly

Anh Ngô Xuân Công ở thôn Gò, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường nỗ lực vượt khó, duy trì ổn định công việc ở xưởng cơ khí của gia đình. Ảnh: Kim Ly

Trước đây, bố anh Công cũng làm nghề cơ khí, song chủ yếu chỉ chế tạo, sửa chữa một số loại nông cụ, máy móc thô sơ. Vốn đam mê nghề cơ khí từ nhỏ, lớn lên, anh Công sang thành phố Việt Trì (Phú Thọ) làm việc tại một xưởng cơ khí để có cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề.

Trở về quê, anh mạnh dạn đầu tư thuê mặt bằng, mở xưởng gia công, sửa chữa các loại máy móc, nông cụ. Anh Công từng chế tạo và gia công lắp đặt các loại máy xới đất, máy phay cỏ với công suất cao hơn nhiều lần so với phương pháp thủ công để phục vụ bà con nông dân sản xuất nông nghiệp.

Khi xã Phú Đa hoàn thành dồn thửa đổi ruộng, anh Công đã đầu tư mua 3 chiếc máy gặt đập liên hoàn để phục vụ bà con thu hoạch lúa. Vì vậy, dù là trong thời điểm dịch bệnh, thu nhập từ xưởng cơ khí của gia đình anh Công vẫn được đảm bảo. Sau vài năm mở xưởng, từ chỗ phải đi thuê mặt bằng, hiện nay, anh Công đã mua được 200 m2 đất để xây dựng xưởng cơ khí của gia đình. Anh Công dự định sẽ mở rộng quy mô xưởng cơ khí trong vài năm tới.

Chị Hương, anh Công và nhiều tấm gương đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động, tích cực trong khởi nghiệp, lập nghiệp, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, các đoàn viên, thanh niên còn tích cực tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương, hỗ trợ những thanh niên khác trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64797/no-luc-vuot-kho-khoi-nghiep-thanh-cong.html