Nỗ lực vượt lên nỗi đau da cam

Chiến tranh đi qua đã gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả của nó vẫn là nỗi đau không nguôi của bao gia đình nạn nhân chất độc da cam/điôxin trong thời bình. Vượt qua nỗi đau ấy, bằng ý chí, nghị lực kiên cường, họ đã vươn lên vượt qua bệnh tật, bất hạnh, ổn định cuộc sống.

Giáo sư Nishimura Yoichi, người Nhật Bản thăm anh Nguyễn Huy Hoàng ở thành phố Nam Định, nạn nhân chất độc da cam, kỹ sư tin học có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Giáo sư Nishimura Yoichi, người Nhật Bản thăm anh Nguyễn Huy Hoàng ở thành phố Nam Định, nạn nhân chất độc da cam, kỹ sư tin học có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Ông Ngô Xuân Minh, sinh năm 1954 ở xã Yên Tiến (Ý Yên) là một trong những nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu về tinh thần vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Nhớ lại năm tháng chiến tranh, cũng như bao lớp thanh niên ở địa phương, ông Minh nhập ngũ tháng 12/1972 và tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở nhiều chiến trường như cảng Cửa Việt, sân bay Ái Tử (Quảng Trị), rồi làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa... Đến tháng 3/1978, ông được phục viên trở về quê hương, xây dựng gia đình với người con gái cùng quê. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ, nhưng có ngờ đâu, khi đứa con đầu lòng sinh ra bị dị tật, chân tay co giật liên tục. Khi đó, vợ chồng ông chạy vạy khắp các bệnh viện để chữa chạy cho con nhưng đều vô vọng, với lý do “cháu bị di chứng chất độc da cam từ người bố truyền sang”. Mọi niềm vui tưởng như khép lại, nhưng với nghị lực và ý chí của người chiến sĩ đặc công năm xưa, ông Minh luôn động viên vợ gắng gượng vượt qua nỗi đau, mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, từng bước ổn định cuộc sống gia đình. Sau hơn 30 năm nỗ lực lao động, cơ sở sản xuất của ông Minh ngày một phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, chủ yếu là con của các cựu chiến binh và bạn đồng ngũ.

Năm 1969, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Phạm Văn Bang, ở xã Yên Thành, nay là xã Trung Nghĩa (Ý Yên) lên đường nhập ngũ, huấn luyện tại Sư đoàn 338, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Sau thời gian huấn luyện, ông hành quân vào miền Nam chiến đấu, thuộc Quân đoàn 4 miền Đông Nam Bộ. Đến tháng 6/1976, ông được phục viên về địa phương. Tháng 2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ông được tham gia học lớp đào tạo sĩ quan ngắn hạn rồi tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau khi xuất ngũ về địa phương lập gia đình, vợ chồng ông sinh được 5 người con thì một người bị sinh non chết yểu; một người con bị loạn thần do ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố, nên đến nay dù đã 40 tuổi nhưng chưa một lần biết gọi tiếng cha, tiếng mẹ... Với hoàn cảnh đông con và có con mắc bệnh do ảnh hưởng từ chất độc da cam, nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên, vượt qua khó khăn, vợ chồng ông đã đầu tư một bộ máy xay xát làm dịch vụ phục vụ bà con xóm làng. Với lợi thế địa điểm gần đường giao thông, thuận tiện và được anh em, đồng đội động viên, gia đình ông mở thêm dịch vụ kinh doanh lương thực với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài” và dần dần phát triển đi lên trở thành đại lý thu mua, chế biến lúa gạo, xuất bán đi thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, mỗi năm từ 300 đến 500 tấn, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 người, chủ yếu là con em cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam, với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Còn đối với chị Lê Thị Mai, sinh năm 1970 ở xã Hải Đông (Hải Hậu) bị nhiễm chất chất độc da cam từ bố, đôi chân của chị ngày càng teo dần. Trong gia đình, chị còn có 2 người em cũng bị di chứng từ chất độc da cam. Trước hoàn cảnh của gia đình, chị Mai đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Từ người làm may thuê, vượt lên hoàn cảnh, chị dần thành lập Hợp tác xã (HTX) May mặc Tình thương và Hướng nghiệp Thiên Ân, thực hiện điều tâm huyết đã ấp ủ từ lâu là đào tạo, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vượt lên số phận, sống hòa nhập cộng đồng. Chị tận tâm dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, nâng cao tay nghề cho từng người lao động, giúp họ có mức thu nhập ổn định. Trung bình mỗi năm chị đã đào tạo, dạy nghề thành công cho 15 lao động tại xã Hải Đông cùng các xã lân cận, trong đó có nhiều người khuyết tật. Năm 2016 chị đã tích góp, xây dựng được ngôi nhà mới hai tầng diện tích 100m2, trị giá gần 1 tỷ đồng. HTX May mặc Tình thương và Hướng nghiệp Thiên Ân cũng được chị đầu tư mở rộng thành 2 xưởng sản xuất. Xưởng sản xuất của chị tại xóm Tây Cát, xã Hải Đông có diện tích 640m2, có khu nhà ăn rộng 300m2, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động. HTX ngày càng phát triển, chị thuê 300m2 mở một xưởng sản xuất mới tại xã Giao Châu (Giao Thủy) tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Hiện tại HTX của chị có 80 máy khâu, tạo việc làm thường xuyên cho 90 lao động, trong đó có 30 người khuyết tật. Doanh thu của HTX năm 2024 ước đạt 400 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động mỗi tháng đạt từ 5-5,5 triệu đồng/người. Trong đó, 10 lao động ở xa, hoàn cảnh khó khăn không thể đi về thường xuyên được bố trí nơi ăn, chốn ở chu đáo.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta có hàng chục vạn người con với tuổi thanh xuân phơi phới đã tình nguyện lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các chiến trường. Nhiều người trong số họ đã hy sinh anh dũng, nhiều người bị thương tật, gần 30 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin. Đến nay đã có 16.659 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Bản thân các nạn nhân đều xác định “tàn nhưng không phế” nên luôn cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn bệnh tật, thiếu thốn về vật chất để lo cho cuộc sống gia đình ổn định. Nhiều nạn nhân đã không ngừng học tập, lao động, nỗ lực từng ngày vượt qua nỗi đau, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của quê hương, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng ghi nhận, nhân dân yêu mến và trở thành tấm gương sáng tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202409/no-luc-vuot-len-noi-dau-da-cam-fa5437e/