Nỗ lực xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại (kỳ 1)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 10/9/2021 về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 15/11/2021 về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 12 của Tỉnh ủy, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng, hướng đến một nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại.

Kỳ 1: Vì một nền hành chính phục vụ

Nhiều năm liên tục, tỉnh ta nằm trong nhóm các địa phương thấp nhất cả nước về chỉ số CCHC. Để khắc phục tình trạng này, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện với nhiều mô hình, cách làm mới chưa có trong tiền lệ, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế và đã có chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện các chỉ số có liên quan đến công tác CCHC.

Nỗ lực nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh trong năm qua. Ảnh: THÙY THẢO

Nỗ lực nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh trong năm qua. Ảnh: THÙY THẢO

Tăng trưởng cao nhất trên toàn quốc

Trong nỗ lực xây dựng một nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, tỉnh đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, các chỉ số Par Index, PCI, PAPI, SIPAS, ICT Index của tỉnh nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố xếp thứ hạng cao trong cả nước.

Để đạt mục tiêu đặt ra, trên cơ sở Chương trình hành động số 12 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 201 của UBND tỉnh, các cấp, các đơn vị đã quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CCHC tại địa phương, đơn vị. Chưa khi nào mà nội dung CCHC lại được cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ngành liên quan nỗ lực chỉ đạo và thực thi như những năm gần đây. Không khí đổi mới cùng sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở đã truyền lửa cải cách đến từng cán bộ, công chức, viên chức, tạo nên nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác CCHC.

Sau 5 năm liên tiếp xếp hạng ở các vị trí từ 60-63/63 tỉnh, thành phố, kết quả xếp hạng các chỉ số CCHC năm 2023, chỉ số CCHC của Phú Yên tăng 11 bậc, xếp 52/63, xếp trong nhóm B là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi của tỉnh trong hành trình cải cách và đổi mới. Với mức tăng gần 9,5 điểm, Phú Yên được ghi nhận là tỉnh có mức tăng cao nhất trong 63 tỉnh thành. Cả 8 lĩnh vực CCHC đều cải thiện rõ rệt, nhất là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, với tinh thần cầu thị, lắng nghe và quyết liệt. Thủ trưởng của 100% các cơ quan, đơn vị là người phụ trách trực tiếp công tác CCHC. Từ đầu năm 2024, công tác chỉ đạo điều hành CCHC tiếp tục thực hiện quyết liệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, tăng cường thanh tra, kiểm tra CCHC, lấy hiệu quả làm thước đo.

Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả dịch vụ công phục vụ Nhân dân… Kết quả đã khắc phục được các tồn tại, hạn chế kéo dài của những năm trước. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết TTHC đúng hạn đã đạt 98,84% và 100% các sở, ngành, địa phương đều có tỉ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn trên 95%. Đây là nỗ lực lớn của công tác chỉ đạo, giải quyết TTHC; nâng cao tính năng động, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hướng đến một nền hành chính phục vụ.

Phương châm xuyên suốt của tỉnh trong CCHC đó là: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.

Phương châm xuyên suốt của tỉnh trong CCHC đó là: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.

Trong ảnh:

Công chức xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) hướng dẫn các TTHC cho người dân. Ảnh: THÙY THẢO

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Phương châm xuyên suốt của tỉnh trong CCHC đó là: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh xác định phải phục vụ thật tốt, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để làm thước đo hiệu quả công việc. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức phải tôn trọng và lắng nghe công dân và hiểu rõ vấn đề từ góc nhìn, đề xuất của công dân.

Giám đốc Sở KH&ĐT Võ Đình Tiến cho biết, lãnh đạo sở luôn quán triệt sâu sắc đến cán bộ, công chức, viên chức về việc cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, HĐND và UBND. Cụ thể, công tác CCHC trong giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp được vận hành thông suốt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, luân chuyển và xử lý hồ sơ qua mạng, rút gắn thời gian. Đồng thời xây dựng và công bố trên trang thông tin của cơ quan về quy trình hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng, bố trí cán bộ chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký qua mạng; thực hiện quy chế văn hóa công sở và quy định xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC sai sót, trễ hạn. Năm 2023, chỉ số PCI xếp vị trí 37/63 tỉnh, thành phố và tăng 2 bậc so với năm 2022.

Ông Nguyễn Bằng Nguyễn, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nghiệp Phú Yên nhìn nhận: “Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và các địa phương đã nêu cao trách nhiệm, chủ động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức đối thoại để lắng nghe những khó khăn, kiến nghị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh”.

Để góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, kết nối và chia sẻ dữ liệu về doanh nghiệp, doanh nghiệp công nghệ số. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện tốt chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ổn định mặt bằng lãi suất. Sở Nội vụ - Tỉnh đoàn - Hội Nông dân - Hội LHPN tỉnh ký chương trình liên tịch triển khai thực hiện chương trình phối hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tỉnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, kết hợp tuyên truyền, phổ biến về công tác CCHC, khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp…

Kỳ 2: Đổi mới để vươn xa hơn

THÙY THẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/320283/no-luc-xay-dung-nen-hanh-chinh-minh-bach-chuyen-nghiep-hien-dai-ky-1.html