Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở huyện Đakrông
Với xuất phát điểm thấp, hạ tầng thiếu đồng bộ, nguồn lực trong Nhân dân hạn hẹp nên quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện miền núi Đakrông còn gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để đưa các xã miền núi hoàn thành chỉ tiêu NTM theo kế hoạch đề ra.
Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, toàn huyện Đakrông đạt 141 tiêu chí; bình quân tiêu chí toàn huyện 11,75 tiêu chí/xã. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn các xã miền núi ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh.
Sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Hệ thống chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện...Tuy nhiên, do đặc thù của địa bàn miền núi nên bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Thực tế cho thấy, tuy công tác tuyên truyền đã được địa phương triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa rộng, hình thức và phương pháp chưa thích hợp. Do vậy, nhận thức của Nhân dân về chương trình xây dựng NTM chưa được rõ ràng, vẫn còn một bộ phận người dân xem chương trình xây dựng NTM như là một dự án đầu tư. Việc chỉ đạo và thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM các xã thực hiện còn chậm làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, do đặc thù của một huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi, diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó thực hiện dồn điền đổi thửa, khó áp dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất. Khó thực hiện liên kết giữa các hộ để tạo sản phẩm tập trung, theo hướng liên kết tiêu thụ thị trường.
Mặt khác, kinh tế hợp tác ở nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất; liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế. Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển.
Để thực hiện chương trình xây dựng NTM, ban chỉ đạo các cấp, ban quản lý xã và ban phát triển thôn trên địa bàn huyện Đakrông sớm được thành lập, kiện toàn tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả, mang tính hình thức. Các ban có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên nhưng thực tế hoạt động không bám vào quy chế; không tổ chức kiểm tra, giám sát; không tổ chức hội họp nên không cập nhật được kết quả thực hiện các nội dung của từng tiêu chí xây dựng NTM...
Sau khi chương trình xây dựng NTM được triển khai, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn trên địa bàn huyện Đakrông tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. An ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn có nơi, có lúc chưa bảo đảm. Một số tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để; tỉ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 39,74%.
Đối với nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, nguồn vốn đóng góp từ người dân còn hạn chế do đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu hiến đất để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi...góp phần thực hiện chương trình xây dựng NTM. Vốn huy động từ các doanh nghiệp chưa nhiều. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2021 - 2023 triển khai chậm do vướng về cơ chế, hướng dẫn, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Đakrông là huyện miền núi nên khi thực hiện bộ tiêu chí xây dựng NTM vẫn còn một số chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế, phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất của địa phương. Do đó nhiều xã, thôn đến cuối năm 2025 khó đạt các tiêu chí xây dựng NTM, cụ thể như chỉ tiêu về tỉ lệ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; tỉ lệ tưới tiêu cho cây trồng chủ lực đạt; tỉ lệ hộ có nhà tắm, nhà tiêu, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch; tỉ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường; tỉ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; tình trạng tảo hôn...
Để hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2024-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có xã Triệu Nguyên đạt xã NTM nâng cao; 2 xã Ba Lòng và Mò Ó đạt chuẩn NTM; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; 40% số thôn (tương ứng với 30 thôn; trong đó có 27 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đạt chuẩn NTM.
Để hoàn thành mục tiêu tỉnh giao trong xây dựng NTM theo kế hoạch, huyện Đakrông sẽ tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, tạo chuyển biến rõ nét theo từng xã. Đồng thời chủ động soát xét, xây dựng khung kế hoạch cụ thể thực hiện, xác định rõ lộ trình và cân đối nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM đảm bảo khả thi, chuyển mạnh về chiều sâu, bền vững.
Cùng với đó, địa phương sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; quan tâm các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết và hợp tác trong xây dựng NTM với nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, NTM là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Đồng thời phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư, nhà ở, tạo cảnh quan không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp...
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/no-luc-xay-dung-nong-thon-moi-o-huyen-dakrong-186237.htm