Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho OCOP
Phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu OCOP đang góp phần hỗ trợ cho các chủ thể tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến nay cả nước đã có trên 14.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó hơn 72% là sản phẩm 3 sao, 26% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao.
Hiện các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, chiếm hơn 30% tổng lượng sản phẩm OCOP của cả nước. Đáng ghi nhận, đến nay, có 7.846 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp (DN) nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất, còn lại là tổ hợp tác. Thông qua Chương trình, các hợp tác xã thể hiện sự năng động hơn khi từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên như trước đây.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP dù được công nhận hạng sao, lại không thể duy trì được vị thế trên thị trường, khiến người dân không muốn đăng ký công nhận lại hạng sao cho sản phẩm sau khi hết hạn. Đáng chú ý, việc đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị được coi là bước đi chiến lược nhằm mở rộng kênh tiêu thụ, giúp sản phẩm tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng. Dù vậy, quá trình này đang gặp phải nhiều thách thức nhất là với sản phẩm ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đề cập đến đầu ra cho sản phẩm, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, tỷ lệ các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo xuất hiện trên kệ hàng của các siêu thị và hệ thống bán lẻ hiện nay còn thấp. Một trong những rào cản chính đối với tiêu thụ sản phẩm từ các khu vực này là vấn đề chất lượng. Nhiều nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hay tiêu chuẩn quốc tế, nên khó cạnh tranh trên các kênh phân phối hiện đại.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng cho biết, sản phẩm OCOP được tiêu thụ chủ yếu tại các kênh bán hàng truyền thống, một số sản phẩm bắt đầu được bán trên các sàn thương mại điện tử. Song số lượng sản phẩm được bày bán tại các trung tâm thương mại hay siêu thị còn rất hạn chế (hiện chỉ chiếm khoảng hơn 10% tổng số sản phẩm OCOP).
Cần sự chủ động của các địa phương
Một số chủ thể OCOP cho rằng, việc đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại hay siêu thị phải chịu chiết khấu cao, dẫn đến giá sản phẩm cũng tăng lên, khó cạnh tranh với hàng ngoại. Chưa kể, việc kết nối giữa người sản xuất với nhà bán lẻ chưa hiệu quả… Điều đáng nói là có tình trạng một số siêu thị chưa thực sự mặn mà với việc đưa sản phẩm OCOP lên kệ. Do đó, để phát triển sản phẩm OCOP, trước hết các chủ thể OCOP phải không ngừng đổi mới quy trình sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP; sớm hình thành chuỗi liên kết doanh nghiệp - người sản xuất, phát triển đa dạng các kênh phân phối sản phẩm…
Thời gian gần đây TP Hà Nội không chỉ trở thành điểm sáng và đi đầu trong phát triển Chương trình OCOP mà còn là địa phương có nhiều đột phá trong công tác xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người dân. Theo đó, trong bối cảnh đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương còn gặp nhiều khó khăn, công tác xúc tiến thương mại đã được các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc. Theo đó, các sở, ngành của TP Hà Nội liên tục tổ chức hoạt động lễ hội, hội chợ, triển lãm gắn kết văn hóa với du lịch, làng nghề, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP của Thủ đô và cả nước. Tiêu biểu như: Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội, Lễ hội Trái cây TP Hà Nội, Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất năm 2024, Lễ hội Sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ nhất năm 2024… Mới nhất là Phiên chợ đặc sản, hàng quà tặng, thủ công mỹ nghệ, OCOP tại Thủ đô. Nhờ đó, hàng nghìn sản phẩm OCOP địa phương, các làng nghề được giới thiệu, quảng bá, trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo khách hàng.
Nhìn nhận lợi ích mà hội chợ mang lại cho các chủ thể OCOP, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan cho rằng, việc tổ chức hội chợ nhằm tăng cường hỗ trợ quảng bá các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, bình ổn thị trường, đặc biệt vào dịp cuối năm rất cần thiết. Bên cạnh đó, Hội chợ góp phần kết nối các nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử... giao dịch trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sự kiện tìm hiểu sản phẩm, năng lực sản xuất, khả năng cung cấp… Qua đó, tìm kiếm nguồn hàng đưa vào hệ thống phân phối; đàm phán ký kết biên bản hợp tác, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/no-luc-xay-dung-thuong-hieu-cho-ocop-10298692.html