Nỗ lực xây dựng Tuy An trở thành thị xã
Danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa, điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Phú Yên - Ảnh: TRẦN QUỚI
Qua 30 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân huyện Tuy An phát huy truyền thống anh hùng, chung sức chung lòng, đoàn kết xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới.
Là huyện có địa hình bán sơn địa, kinh tế dựa vào nông nghiệp, ngư nghiệp. Sau nhiều năm nỗ lực, nền kinh tế của huyện nhiều năm liền tăng trưởng ở mức cao và toàn diện. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh về thương mại, du lịch - dịch vụ.
Cùng với phát triển kinh tế, huyện đặc biệt quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, đối tượng xã hội thực hiện tốt hơn; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Thành quả của quá trình đổi mới
Kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều, góp phần làm cho năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng.
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 41 triệu đồng/người/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đến nay có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (An Mỹ, An Cư, An Nghiệp, An Chấn, An Dân).
Huyện tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng hệ thống cấp điện, cấp nước, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; điện lưới quốc gia phủ hết 100% thôn; số hộ sử dụng điện đạt 99%. Hệ thống bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư phát triển, chất lượng dịch vụ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tổ chức, cá nhân.
Thực hiện có kết quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo, công tác xã hội hóa giáo dục triển khai có hiệu quả, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, được UBND tỉnh công nhận đạt phổ cập giáo dục mức độ 3. Công tác phổ cập giáo dục THCS đến nay có 1 xã đạt mức độ 1 và 15 xã, thị trấn đạt mức độ 2.
Các hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực sản xuất và đời sống được đẩy mạnh, từng bước nâng cao chất lượng. Các đề tài, dự án về lĩnh vực nông - lâm - thủy sản được ưu tiên triển khai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng thêm thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người lao động, tạo niềm tin cho nhân dân mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật tiến bộ mới, đồng thời thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.
Lĩnh vực văn hóa, thông tin và thể thao với nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp, phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng được chú trọng; 100% địa bàn dân cư được phủ sóng phát thanh; 100% số hộ dân có phương tiện nghe nhìn.
Chất lượng các cơ quan, đơn vị, thôn, khu phố, gia đình văn hóa từng bước được nâng cao, 95% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; tỉ lệ thôn, khu phố văn hóa đạt 90%; tỉ lệ cơ quan đơn vị văn hóa đạt 93%; phục chế bộ kèn đá - đàn đá Tuy An, phát hành tập sách Văn học dân gian Tuy An...
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đối tượng người có công, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được quan tâm; mạng lưới y tế được kiện toàn và đầu tư nâng cấp trang thiết bị khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở. Đến năm 2018, 13/16 xã, thị trấn của huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Xây dựng huyện thành thị xã
Những kết quả đạt được là rất khích lệ, toàn Đảng bộ, nhân dân Tuy An tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu tiếp theo là phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị để đưa huyện đạt các tiêu chí trở thành thị xã vào năm 2025.
Theo đó, huyện tập trung huy động vốn đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn trong nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức khác để tập trung xây dựng các công trình trên địa bàn, nhất là công trình phúc lợi xã hội. Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, hoàn chỉnh 8 khu tái định cư, các công trình khép kín khu dân cư nông thôn, thị trấn.
Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tiếp cận các dự án du lịch trên địa bàn như: Dự án Khu nghỉ dưỡng và sân gôn cao cấp Anam Phát tại xã An Ninh Đông, do Công ty TNHH Anam Phát làm chủ đầu tư, quy mô diện tích 498ha, vốn đầu tư 2.800 tỉ đồng; dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vườn Phượng Hoàng, do Công ty CP Đầu tư INVESTCOM Phú Yên làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 2.700 tỉ đồng; dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái biển và du lịch làng nghề, do Tập đoàn TH làm chủ đầu tư, địa điểm đầu tư là các xã An Hòa, An Hải, với tổng mức vốn đầu tư khoảng 4.500 tỉ đồng…
Bảo tồn, phát huy các di tích, danh thắng
Tuy An được xem là vùng đất trầm tích văn hóa, là huyện có nhiều di tích danh thắng nhất cả tỉnh với 9 di tích quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh. Trong đó, danh thắng Gành Đá Đĩa là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ngoài ra, Tuy An còn có trên 50 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Có thể nói, di tích và danh thắng ở huyện Tuy An là nguồn tài nguyên rất quý giá.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống hiện đại, huyện đề ra các giải pháp căn cơ trong thời gian đến. Đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, không được xâm phạm đến di tích. Việc bảo tồn di tích, danh thắng với tư cách là một tài nguyên cần phải được triển khai một cách toàn diện và chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản.
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng khách tham quan, đạt được mục tiêu giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào dân tộc; giới thiệu cho khách du lịch về lịch sử, văn hóa và nét đẹp thiên nhiên độc đáo; tăng lợi ích kinh tế cho xã hội; hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ hoạt động du lịch đối với tài sản văn hóa. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích, danh thắng đã được xếp hạng, ưu tiên xây dựng quy hoạch riêng cho các di tích, danh thắng có giá trị độc đáo và đặc biệt.
Đối với các di tích gắn liền với các lễ hội truyền thống hàng năm như di tích lịch sử quốc gia: Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương, Địa đạo Gò Thì Thùng; di tích lịch sử - nghệ thuật chùa Từ Quang; Di tích thắng cảnh Đầm Ô Loan… cần phải xây dựng kế hoạch từng bước nâng cao chất lượng lễ hội... để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá nét độc đáo của các di tích, danh thắng huyện Tuy An trên các phương tiện thông tin đại chúng, website…
Với quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân, tin tưởng rằng thời gian tới huyện sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đưa Tuy An trở thành thị xã vào năm 2025.
Một số giải pháp cụ thể
Tuyên truyền nâng cao nhận thức đến các cấp ủy, chính quyền và người dân; phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành và đoàn thể nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.
Thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cụ thể hóa các quy định của Trung ương, các chính sách ưu đãi đầu tư, các thủ tục về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đất sạch thực hiện dự án.
Công khai quy hoạch phát triển đô thị và tiềm năng kinh tế xã hội mời gọi đầu tư. Huy động các nguồn lực cho đầu tư, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, vốn đầu tư nước ngoài, vốn của các thành phần kinh tế khác... tập trung các công trình trọng tâm, trọng điểm. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng thu ngân sách và phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA.
Lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, gắn kết chặt chẽ quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý và giám sát đầu tư: Nâng cao trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để thực hiện kiểm tra, giám sát và quản lý các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, đô thị có hiệu quả.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/222541/no-luc-xay-dung-tuy-an-tro-thanh-thi-xa.html